Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cho biết, năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc. Đây là năm cả nước hân hoan kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước, là thời điểm cả nước cùng nhìn lại hành trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời gian qua, định hướng cho một tương lai mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sự kiện Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới” gắn với Festival Huế 2025 càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Huế, cột mốc lịch sử hào hùng, ghi dấu tinh thần quật cường của dân tộc.
"Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, khi du lịch không chỉ là trải nghiệm, mà còn là cầu nối của tình hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Nghị quyết số 08 năm 2017 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng tiềm năng lợi thế vẫn còn nhiều, đòi hỏi chúng ta cần không ngừng nỗ lực và sáng tạo”. Thời gian tới, Ngành Du lịch cần quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả phù hợp - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính nhấn mạnh.

Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới” không chỉ là một sự kiện văn hóa du lịch thuần túy, mà còn là một hành trình cảm xúc, một chuyến du hành ngược dòng lịch sử để chạm đến vẻ đẹp bất tận của đất kinh đô xưa; là sự khẳng định Huế không chỉ là một thành phố của lịch sử mà còn là điểm sáng của tương lai, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của cả nước, biểu tượng của sự đổi mới và phát triển dựa trên thế mạnh về di sản, nét thanh lịch, hiền hòa, mến khách của mỗi con người nơi đây.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, qua 22 kỳ tổ chức, Huế đã 02 lần vinh dự được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia (2012 và 2025). Điều này, không chỉ là sự ghi nhận vị thế của vùng đất tươi đẹp trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, mà còn là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch Cố đô dựa trên thế mạnh di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Điểm nhấn của lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia Huế 2025 là chương trình nghệ thuật có chủ đề: “Lời tự tình dòng sông” và màn pháo hoa rực rỡ sắc màu. Chương trình nghệ thuật khai mạc gồm 3 chương: Huyền sử một dòng sông – Tái hiện những câu chuyện lịch sử gắn liền với sông Hương, biểu tượng văn hóa của Huế; Những dòng sông hội tụ – Thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa Huế và các nền văn hóa khác trên thế giới; Dòng chảy mới của những con sông – Đánh dấu sự phát triển và hội nhập của Huế trong thời kỳ hiện đại. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng hoành tráng với sự tham gia biểu diễn của hơn 800 diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng và quần chúng nhân dân, cùng các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức như: Triển lãm tranh của vua Hàm Nghi với quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam tại điện Kiến Trung (Đại Nội Huế); Ngày hội “Sắc xuân vùng cao A Lưới”; Trưng bày “95 năm dưới lá cờ Đảng quang vinh”, “50 năm Huế vươn mình vào kỷ nguyên phát triển mới”; Lễ hội điện Huệ Nam và đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Năm Du lịch Quốc gia 2025 gắn liền với Festival Huế 2025 bao gồm 160 sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế. Trong đó, Thành phố Huế tổ chức 75 hoạt động và các tỉnh, thành trong nước tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế nhận định: "Việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia tại Huế còn giúp tăng cường liên kết giữa Huế với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, tạo thành một cụm du lịch miền Trung hấp dẫn. Sự kiện này hướng đến mục tiêu thúc đẩy du lịch bền vững, khuyến khích du khách khám phá văn hóa, thiên nhiên và các giá trị di sản của Việt Nam. Địa phương phấn đấu đón từ 5,2 đến 5,5 triệu lượt khách trong năm nay, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 70-80%, doanh thu từ du lịch đạt 11.000 đến 12.000 tỷ đồng và lấy đà tăng trưởng phấn đấu đến năm 2030 Huế sẽ đón 12 triệu lượt khách”.