Triển lãm mang đến công chúng 67 tác phẩm đặc sắc, trong đó có 38 tác phẩm tạo hình được thực hiện trên các chất liệu lụa, sơn mài, giấy Dó, sơn dầu và 29 tranh dân gian Hàng Trống trên chất liệu giấy Dó. Nội dung các tác phẩm phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Phát biểu khai mạc triển lãm, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, mang đậm tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa của người Hà Nội xưa. Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh này không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam mà còn gây ấn tượng sâu sắc với công chúng thế giới. "Với cuộc triển lãm lần này, các nghệ nhân, họa sĩ đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình trong hành trình gìn giữ, phát huy giá trị dòng tranh này trong đời sống đương đại. Triển lãm cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay học hỏi kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

So với các dòng tranh khác, màu sắc trong tranh Hàng Trống có những nét riêng rất đặc thù. Dù chỉ có 6 màu được làm từ tự nhiên (sau này có sáng tạo thêm màu mới bằng phẩm màu) nhưng các nghệ nhân xưa đã vận dụng, kết hợp tài tình với hệ thống nét đen lấy từ than lá tre ủ kỹ, khiến cho các tác phẩm tranh Hàng Trống vô cùng rực rỡ, cuốn hút mà không kém phần tao nhã, tinh tế. Vì vậy, triển lãm mong muốn quảng bá hơn nữa nét đẹp của dòng tranh độc đáo này đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế. Đây cũng là dịp để giới thiệu sản phẩm nghệ thuật được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh Hàng Trống nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên có lẽ là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống thời điểm hiện tại. Nối nghề truyền thống của gia đình từ khi còn nhỏ nên ông rất am hiểu và có thể làm được mọi công đoạn để hoàn thiện một bức tranh dân gian Hàng Trống. Tham gia triển lãm "Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống", nghệ nhân này không giấu được sự vui mừng khi tận mắt chứng kiến sức sống của những bức tranh truyền thống mà ông gắn bó cả cuộc đời. Tuy nhiên, ông vẫn luôn canh cánh nỗi niềm về người kế nghiệp dòng tranh này. "Trong gia đình tôi thì ông nội là cụ Lê Xuân Quế khi xưa đã làm nghề tranh. Bố tôi là Lê Đình Liệu cũng tiếp nối nghề. Đến đời chúng tôi, cả nhà có 7 anh chị em nhưng chỉ có tôi theo được nghề tranh gia truyền và giờ tôi truyền nghề lại cho cậu con trai. Thật khó để giữ nghề trước sự phát triển quá mạnh của công nghệ và các loại hình giải trí khác", nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ.

Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam, bức tranh Đám cưới chuột là một đề tài thú vị được nhiều người ưa chuộng. Ở cả hai dòng tranh dân gian nổi tiếng bậc nhất Việt Nam là Đông Hồ và Hàng Trống đều có tác phẩm này. Nếu như tranh "Đám cưới chuột" của làng tranh Đông Hồ có những gam màu tươi tắn như: vàng, xanh, đỏ được sử dụng chủ đạo mang đến không khí tươi vui, tưng bừng, rộn rã thì tranh Hàng Trống cũng khắc họa hình ảnh một đám cưới chuột tương tự nhưng với màu sắc nhã nhặn hơn. Đường nét trên tranh thanh mảnh hơn so với tranh Đông Hồ. Trong đó, những chi tiết trang trí ở yên ngựa, kiệu hoa lại được thể hiện cầu kỳ, chi tiết hơn.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, người hướng dẫn nhóm hoạ sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” cho biết, trải qua ba năm khi dự án được khởi xướng và thực hiện, từ năm 2020 tới nay đã diễn ra nhiều phiên bản tương tác với các không gian trưng bày triển lãm mang nhiều yếu tố di sản truyền thống nhưng lần này, dự án mới được tiếp cận với không gian của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là cơ hội cho công chúng tiếp cận với dòng tranh dân gian Hàng Trống để hiểu thêm về sự thú vị và khác biệt của tranh Hàng Trống với các dòng tranh dân gian truyền thống khác, chẳng hạn như cách nghệ nhân dùng bút lông vờn màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tuỳ theo nội dung, đường nét và các loại tranh hay công đoạn bồi tranh...

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31/7/2023 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.