Trưng bày được tổ chức nhân Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 78 năm ngày thành lập Bộ Nội vụ và ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước; Kỷ niệm 2 năm Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Hoạ sĩ Bùi Trang Chước được công nhận là Bảo vật quốc gia, đồng thời nhân sự kiện Hoạ sĩ Bùi Trang Chước được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ba cụm tác phẩm, trong đó có tác phẩm mẫu Quốc huy Việt Nam.

Phát biểu khai mạc trưng bày, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, Quốc huy Việt Nam là biểu tượng thiêng liêng, là niềm tự hào, thể hiện khát vọng mãnh liệt, thiết tha về một nền hoà bình, độc lập, tự do của đất nước. Quá trình hình thành, ra đời của Quốc huy Việt Nam là câu chuyện đặc biệt gắn liền với lịch sử đất nước và hành trình đấu tranh, bảo vệ dân tộc, đồng thời cũng là câu chuyện đầy thú vị, gắn với cuộc đời, sự nghiệp của hoạ sĩ Bùi Trang Chước, đồng thời mang đến góc nhìn đa chiều, chân thực về quá trình hình thành Quốc huy Việt Nam".

Trưng bày giới thiệu gần 200 hiện vật gốc, tài liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Danh hoạ Bùi Trang Chước, thể hiện các nội dung:

Phần 1: Quốc huy Việt Nam - Biểu tượng tự hào dân tộc: Giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh Quốc huy Việt Nam được thể hiện trên các sự kiện, địa điểm tại đất liền cũng như biên giới, hải đảo, trong các giấy tờ quan trọng… qua đó thấy được tầm quan trọng, sự thiêng liêng của Quốc huy Việt Nam.

Phần 2: Hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam: Giới thiệu một số văn bản khởi nguồn cho việc sáng tác Quốc huy Việt Nam, như: Công văn số 87-NG ngày 28/01/1951 của Bộ Ngoại giao gửi Ban Thường trực Quốc hội về việc đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn; Công văn số 467-NG ngày 08/6/1951 của Bộ Ngoại giao về việc phát động cuộc thi hoạ mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà… Tiếp đó là hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy của Hoạ sĩ Bùi Trang Chước, từ những nét phác thảo đầu tiên với những cây tre, con trâu, bông lúa… hay hình dáng đa dạng, màu sắc phong phú, chủ đề thân thuộc cùng những lời tự sự về hành trình sáng tác mẫu Quốc huy của Hoạ sĩ.

Phần 3: Hoạ sĩ Bùi Trang Chước - Người tạo hình Quốc huy Việt Nam: Giới thiệu chân dung, quê hương, gia đình, quá trình học tập, lao động, sáng tạo của Hoạ sĩ Bùi Trang Chước, khắc hoạ hình ảnh của người nghệ sĩ đa tài với nhiều tác phẩm có giá trị ứng dụng: mẫu Quốc huy, mẫu tem, tiền, huy hiệu, chân dung Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Theo bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, đằng sau mỗi hiện vật là rất nhiều câu chuyện về con người, đất nước ở nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Các hiện vật tại trưng bày “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” chứa đựng nhiều câu chuyện đặc biệt về thân thế, sự nghiệp của họa sĩ Bùi Trang Chước và cả hành trình để mẫu quốc huy được trả về đúng tên tác giả, được công nhận là bảo vật quốc gia.

Họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992), tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1936 – 1941), là người Việt Nam vẽ tem bưu chính đầu tiên ở Đông Dương.

Năm 1953, ông được biệt phái làm nhiệm vụ sáng tạo mẫu Bằng khen, Huân chương, Huy chương cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bắt đầu tham gia cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy.

Hoạ sĩ Bùi Trang Chước đã có hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam vô cùng ấn tượng với 112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết. Trong đó, 15 bản phác thảo mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của hoạ sĩ Bùi Trang Chước được Ban Mỹ thuật - Ngành Văn nghệ Trung ương chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng Chính phủ tháng 10/1954.