Là một tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của nước ta, tỉnh Hòa Bình không chỉ được coi là cái nôi của văn hóa Mường mà còn sở hữu những khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ của rừng núi, hang động, là điểm dừng chân tuyệt vời cho những du khách thích “sống chậm”.

Cách Hà Nội 140 cây số theo hướng Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình có thung lũng Mai Châu bằng phẳng, rộng lớn, phì nhiêu nằm gọn dưới những ngọn núi cao sừng sững chạy dài theo những cánh đồng lúa bát ngát. Tại đây có bản Lác với những nếp nhà sàn xinh xắn bảng lảng trong mây chẳng khác nào bức tranh sơn thủy hữu tình.

Đến bản Lác, Mai Châu vào thời điểm nào, du khách cũng cảm nhận được hương vị cuộc sống nơi đây. Đó là sự bình yên đến trong trẻo của không gian sống, là khung cảnh đẹp đến mê hồn của dáng núi, dáng nhà, dáng người trong một tổng thể đa sắc màu. Trải qua lịch sử hình thành hơn 700 năm, ngày nay bản Lác đã trở thành biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Thái, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Trước đây, người dân bản Lác không hề biết đến các hoạt động dịch vụ du lịch. Về sau, khi vẻ đẹp của bản được mọi người phát hiện và nhanh chóng trở nên nổi tiếng thì lượng khách du lịch đổ về đây ngày càng nhiều. Từ khi du lịch phát triển, người dân trong bản đã sửa sang lại những nếp nhà sàn để đón khách. Cùng với hơn 25 nhà nghỉ dạng Homestay, nhiều gia đình trong bản còn tổ chức các dịch vụ ăn uống, cho thuê quần áo, xe cộ…

“Bản Lác hình thành du lịch từ những năm 80, tuy nhiên, vào thập kỷ 90 bắt đầu lan ra và phát triển tương đối đều khắp. Ở đây chủ yếu là du lịch văn hóa dân tộc, du lịch xanh, du lịch thắng cảnh. Khách đến đây để tìm hiểu về phong tục tập quán rồi cách sinh hoạt nhà sàn của dân tộc Thái, những vấn đề quan hệ làng xóm của người Thái” - ông Lò Cao Nhum, một chủ hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Lác cho biết.

Những ngôi nhà sàn ở bản Lác rộng rãi, cao ráo sạch sẽ và giữ được truyền thống kiến trúc cổ. Bên trong có đầy đủ chăn ga gối đệm được gấp ngăn nắp gọn gàng để phục vụ du khách. Bước chân lên cầu thang của những nếp nhà sàn, du khách có thể trò chuyện cùng gia chủ. Chính lối sinh hoạt dân dã, ấm cúng đã phần nào gắn kết những con người lần đầu tiên gặp nhau trở thành thân quen.

“Ai đến bản Lác cũng được đón tiếp như khách quý. Nếu khách hỏi về phong tục tập quán dân tộc thì tôi sẵn sàng giới thiệu về bản sắc, về truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi xác định, muốn làm du lịch bền vững thì mình phải giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình” - ông Hà Công Bình, một người già trong bản khẳng định.

Tại bản Lác, du khách có thể dạo bước từ đầu đến cuối bản để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống bình yên của đồng bào Thái. Nếu muốn, du khách có thể thuê hoặc mua những bộ trang phục để dạo chơi và chụp ảnh.

Những nếp nhà sàn nằm núp mình dưới mây được lợp bằng lá gồi. Các cửa sổ có kích thước lớn, vừa đón được gió mát vừa là nơi thoáng đãng để treo các giỏ hoa phong lan trang trí, biến ngôi nhà trở thành điểm check-in cực đẹp, khiến cho du khách phải hài lòng bởi những bức ảnh ấn tượng.

Lần đầu tiên đặt chân tới đây, anh Alexander Eric, du khách Pháp rất thích thú: “Mọi thứ ở đây thật đẹp. Cỏ cây hoa lá đều rất tự nhiên. Tôi đã dạo quanh bản và quan sát cuộc sống của người dân thì thấy mọi người ra đồng, làm ruộng rất cần mẫn và chăm chỉ. Tôi muốn ở lại đây lâu hơn bởi tôi rất ấn tượng với nơi này”.

Vừa làm nông vừa làm kinh doanh du lịch, bà con bản Lác đã tạo ra nhiều hoạt động giúp các du khách cùng trải nghiệm. Thuê một chiếc xe đạp với giá từ 20-30 nghìn đồng, du khách có thể dạo chơi quanh thung lũng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các bản làng. Thậm chí, có thể cùng ra đồng thử làm nông dân. Buổi tối, du khách sẽ hòa mình vào các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc bản địa và thưởng thức những món ăn vô cùng ngon miệng.

Hiện tại, bản Lác đã được nhiều người biết đến như một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch không chỉ của tỉnh Hòa Bình mà còn của cả nước, là điểm du lịch nhiều du khách luôn muốn ghé thăm.

Xin mời nghe chi tiết tại đây: