Lịch sử hình thành Romania là sự hợp nhất của nhiều công quốc La Mã thời Trung Cổ, trong đó quan trọng nhất là Moldavia, Wallachia và Transylvania. Romania được xem là đất nước của những cánh rừng bạt ngàn, dãy núi Karpat chiếm trọn phía Tây còn con sông Danube là biên giới tự nhiên nằm ở phía Nam ngăn cách với Bulgaria.

Bucharest, thủ đô cổ kính với tòa nhà Quốc hội kỳ vĩ

Romania có 10 thành phố, mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng. Tất nhiên, thành phố lớn nhất, đẹp nhất và cũng quan trọng nhất là thủ đô Bucharest.

Đến với Bucharest, bạn sẽ được hòa mình vào không gian náo nhiệt, sôi động, thăm thú những công trình cổ đại lưu giữ lịch sử như: nhà thờ cổ, bảo tàng, triển lãm nghệ thuật. Nơi đây nổi bật với những nhà thờ chính tòa cổ kính, những căn nhà hàng trăm năm tuổi, những bảo tàng lộng lẫy, các nhà hàng ẩm thực, những công viên rộng thênh thang.

Nếu đến đây dịp này, bạn có thể tản bộ dọc các con đường ở trung tâm thành phố, trải nghiệm các sự kiện văn hóa nghệ thuật chào mừng Euro 2020.

Đến với thủ đô Bucharest, một địa điểm xếp vào dạng “buộc phải đi” là Tòa nhà Quốc Hội, một công trình kiến trúc kì vĩ nằm trên ngọn đồi Spirii.

Đây là tòa nhà có một không hai trên thế giới, cao 84 mét, diện tích sàn 365.000 m2, tường 3 lớp, gồm 12 tầng với hơn 31.000 phòng. Tòa nhà theo phong cách kiến trúc Tân Cổ điển, có nhiều đại sảnh cực kì hùng vĩ, riêng sảnh trung tâm có thể đáp được cả trực thăng; có những chùm đèn pha lê được thiết kế tinh xảo có cái nặng tới 2,5 tấn. Đây cũng là tòa nhà nặng nhất thế giới, tổng khối lượng công trình lên tới 4,1 triệu tấn.

“Để xây dựng công trình này, chúng tôi mất tới 15 năm", anh Michal Gimlin, nhân viên hành chính làm việc tại tòa nhà này cho biết. "Tòa nhà được khởi công từ năm 1984 đến 1997 mới hoàn thành. Số lượng nhân sự tham gia cũng là một con số khổng lồ: hơn 700 kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ và khoảng 20.000 công nhân. Công trình này là một niềm tự hào của đất nước Romania”.

Hiện nay, giá trị của tòa nhà này là 4 tỷ euro, là tòa nhà hành chính đắt nhất thế giới. Riêng chi phí điện sưởi ấm, chiếu sáng của Tòa nhà Quốc hội trong một năm đã lên tới 5 triệu euro, tương đương với lượng điện tiêu thụ của một thành phố cỡ trung bình.

Ngoài ra, nếu muốn tìm hiểu về lịch sử Romania, bạn có thể đến thăm Cung điện Cotroceni, nơi đây hiện được xem như một Bảo tàng Quốc gia lưu giữ hàng trăm câu chuyện, hiện vật về lịch sử hình thành đất nước Romania. Cung điện được xây dựng theo phong cách Ba-rốc với nhiều trụ đá, khu chuồng ngựa, nhà kính, tu viện, tháp chuông…

Cung điện Peles hiện đại nhất châu Âu thế kỷ 19

Nếu như Tòa nhà Quốc hội là niềm tự hào kiến trúc hiện đại của Romania thì vị trí đó trong thế kỷ 19 thuộc về Cung điện Peles. Cung điện này được xây dựng vào năm 1875, thuộc sở hữu của Vua Carol Đệ nhất. Cung điện Peles (còn gọi là Cung điện Mùa hè), tọa lạc dưới chân núi Bucegi, thuộc thành phố Sinaia.

Toàn bộ nội thất bên trong cung điện được trang trí bằng gỗ quý, những trần nhà ốp gỗ mạ vàng, và cơ man nào là những bình gốm sứ mạ vàng, các tượng đá cẩm thạch cùng rất nhiều các bộ tủ ghế sang trọng chạm trổ cầu kỳ, những tấm thảm lót sàn được dệt bằng len với nhiều hoạ tiết sống động.vNhững chiếc đèn chùm được làm từ pha lê toả ánh sáng lung linh huyền ảo. Toàn bộ cung điện là một kiệt tác kiến trúc và mỹ thuật cực kì sang trọng và xa hoa.

Hiện nay, Cung điện Peles nằm trong top 3 địa điểm du lịch yêu thích nhất ở Romania.

“Không chỉ là công trình xuất sắc về mặt mỹ thuật, trong thế kỉ 19 Cung điện Peles còn được xem là một biểu tượng về sự tiện nghi và hiện đại ở châu Âu thời bấy giờ", anh Costin Dumitru hướng dẫn viên tại đây cho biết.

"Hệ thống đèn điện được dùng để thắp sáng thay cho đèn cầy, nguồn điện được tạo ra từ việc ngăn một dòng suối nhỏ gần đây để gắn tua-bin làm máy phát điện. Hệ thống sưởi, thang máy điện và điện thoại cũng đã có mặt trong cung điện này”.

Lâu đài Bran và huyền thoại về Bá tước Dracula

Còn bây giờ chúng ta sẽ đến thăm lâu đài nổi tiếng nhất Romania, lâu đài gắn với cái tên huyền thoại – Bá tước Dracula, đó là lâu đài Bran. Tọa lạc ở vùng ranh giới hẻo lánh Transylvania và Wallachia của Romania, lâu đài Bran được xây dựng vào năm 1212 trên một khối đá ở độ cao 760m.

Lâu đài nằm ở vị trí biệt lập, bao xung quanh bởi những ngọn núi, khu rừng và thung lũng khiến lâu đài Bran mang một dáng vẻ huyền bí ma mị. Kiến trúc lâu đài Bran mang vẻ u ám với mái ngói đỏ hồng, tường vôi trắng xám, những tòa tháp canh, lối đi lát đá hay chiếc giếng cổ với độ sâu 20m đào xuyên qua khối đá cứng vẫn được bảo tồn nguyên trạng từ lúc xây dựng cho đến nay.

Lâu đài Bran trở nên nổi tiếng khi nó được cho là nguyên mẫu của tòa lâu đài nơi trú ngụ của nhân vật huyền thoại Dracula trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1897 của nhà văn Bram Stoker. Tuy nhiên, đây chỉ là câu chuyện huyền thoại được thêu dệt nên, bởi chẳng có tư liệu lịch sử nào chứng minh sự liên quan giữa lâu đài Bran và nhân vật Bá tước Dracula cả.

“Thực tế, nhân vật ma cà rồng được cho là lấy cảm hứng từ Vlad Tepes, 1 vị hoàng tử từng cai trị ở vùng Transylvania vào thế kỷ 15", ông Vic Stefanu, một blogger du lịch người Romania nói. "Vlad Tepes nổi tiếng là một kẻ máu lạnh, sở thích của ông ta là tra tấn rồi giết chết kẻ thù, nổi tiếng nhất là phương pháp đóng cọc rồi treo lên. Hiện nay ở Trasylvania vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về nhân vật Vlad Tepes này. Có quan điểm xem ông ta là một anh hùng địa phương, khi từng đẩy lùi nhiều đạo quân chinh phạt để bảo vệ Tralsylvania. Số khác xem ông ta là một kẻ tàn nhẫn thích tra tấn kẻ thù”.

Thành công của cuốn tiểu thuyết thu hút hàng triệu du thập phương kéo đến Romania để tìm ma cà rồng thật sự. Rất nhiều độc giả tình cờ ghé thăm lâu đài Bran và vô cùng bất ngờ khi phát hiện lối vào của tòa lâu đài này rất giống với miêu tả của Bram Stoker trong tiểu thuyết Dracula. Cũng từ dạo đó, tòa lâu đài ở Transylvania được người ta gọi là “lâu đài Dracula”. Ước tính hàng năm có đến hơn 600.000 lượt du khách đến đây để chiêm ngưỡng không gian sống của nhân vật huyền thoại này.

Ngày nay, Romania được xem là một điểm du lịch hút khách hàng đầu châu Âu, sánh ngang với Hungary, Hy Lạp, Ý.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: