Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì sẽ được tổ chức vào ngày 24/11/2021, trực tuyến tới 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành.

Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa.

Trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có những chia sẻ với Đài Tiếng nói Việt Nam.

PV: Thưa Bộ trưởng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, nên chắc hẳn cũng mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Năm 2021, đất nước ta có rất nhiều sự kiện chính trị hết sức quan trọng. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước. Đồng thời, chúng ta cũng nhìn thấy tình hình trong nước và thế giới có những thuận lợi và thách thức đan xen. Đại dịch Covid-19 đã gây ra cho đất nước chúng ta nhiều thiệt hại rất lớn, trong đó có ngành văn hóa – thể thao và du lịch.

Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói, từ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư đến Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, các chương trình cụ thể của Chính phủ, cùng với sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân, đến thời điểm này, chúng ta đã từng bước kiểm soát đẩy lùi dịch bệnh để đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới theo hướng thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả.

Vì vậy, với nhận thức của chúng tôi, Hội nghị này có tính chất lịch sử.

PV: Với tính chất và quy mô của Hội nghị lần này, nhiều ý kiến cho rằng, những kết quả của Hội nghị sẽ là kim chỉ nam cho hành động, nhìn lại để nhận thức đúng và sẽ có hành động văn hóa đẹp, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về lĩnh vực văn hóa. Cũng qua đây để thấy được sự quan tâm rất lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, mà trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với vấn đề văn hóa. Sự quan tâm đó có cơ sở lý luận và thực tiễn, vì các văn kiện của Đảng đều khẳng định, phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần để phát triển, là một trong 4 trụ cột mà khi nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 13 nói rất rõ về nội dung này.

Chính vì vậy, quy mô của hội nghị là khá lớn, có tính chất toàn quốc. Ngoài việc tổ chức tại hội trường Diên Hồng với số lượng gần 600 đại biểu, còn nối đến các điểm cầu của các địa phương, thậm chí là tới từng địa bàn xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

Trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị là dẫn luận, hệ thống lại quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa dựa trên đường lối của Đảng ta, đặc biệt tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lê nin về vấn đề văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, xác định đây là kim chỉ nam cho hành động, nhìn lại hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa, đạt được những thành tựu gì, khó khăn, yếu kém gì và từ đó rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có nhận thức đúng, hành động đúng. Xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là gì? Trên một trục xuyên suốt đó là phải phát triển văn hóa và con người Việt Nam, phải khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

PV: Và để làm được điều này thì việc xây dựng môi trường văn hóa để tạo nên những con người văn hóa là vô cùng quan trọng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chúng ta phải xác lập và xây dựng hệ sinh thái văn hóa, mà bao trùm xuyên suốt là phải xây dựng môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa có thể nói rất rộng, vì vậy, phải tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực, phải ưu tiên trong vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân. Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vậy phải xây dựng môi trường này như thế nào để đảm bảo được hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa.

Đó là văn hóa phải bắt đầu từ cơ sở. Chúng ta phải làm thực chất hơn xây dựng đời sống văn hóa từ khu dân cư, từ các cơ quan đơn vị, để đấy thực sự là một môi trường văn hóa, con người được hoạt động trong môi trường đó. Phải thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra, đó là con người yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước và sáng tạo.

Nhưng cũng không thể xây dựng theo hướng chỉ có một số giải pháp cụ thể mà phải đặt con người trong tổng thể, vừa là nhân vật trung tâm, chủ thể xây dựng văn hóa và ngược lại, văn hóa hình thành nên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, con người của thời đại hội nhập, con người mà giữ được bản sắc văn hóa dân tộc... Đấy chính là những điều chúng tôi kỳ vọng ở Hội nghị lần này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo kế hoạch, ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì, chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, bằng hình thức trực tuyến.

Một số sự kiện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức như:

Triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” diễn ra từ 16-27/11 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Ngày 24/11, triển lãm mở cửa tại Nhà Quốc hội.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Hội nghị mang tên “Niềm tin và khát vọng” diễn ra vào 20 giờ ngày 21/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ngoài ra, một số hoạt động khác như phát hành phim tài liệu về đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ qua các thời kỳ...