Theo số liệu nghiên cứu của Hội đồng Anh năm 2019, Hà Nội có gần 200 địa điểm là các khu không gian sáng tạo. Với con số này, theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện Trưởng Viện Kiến Trúc Quốc gia, nhà nghiên cứu trong mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhất các khu không gian sáng tạo trong cả nước. “Tuy nhiên, nhiều nhưng vẫn thiếu. Xét về số lượng các khu không gian sáng tạo Hà Nội có không ít, thậm chí nhiều so với các nước khác trong khu vực. Nhưng có một thứ thiếu so với họ đó là các khu không gian sáng tạo có quy mô lớn” - PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan nhấn mạnh.

Ngày 30/10/2019, UNESCO đã ký Quyết định công nhận Hà Nội cùng 65 thành phố khác trên thế giới chính thức gia nhập vào mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO. Đây là niềm vinh dự của Hà Nội khi phát triển theo định hướng lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Thế nhưng, thực tế các không gian sáng tạo hình thành ở Hà Nội trong khoảng 10 năm trở lại đây đều là quy mô nhỏ do những nghệ sĩ và những cá nhân tâm huyết tạo nên một cách khá chật vật.

Chị Trương Thu Thủy, chủ doanh nghiệp xã hội “Chie – dù pù dù pà ơi” chia sẻ: “Tôi làm không gian của Chie với mong muốn nhiều người được trải nghiệm về văn hóa dệt, làm vì đam mê, tâm huyết của riêng mình. Nhưng cái khó khăn lớn nhất là về mặt bằng, bởi đều phải đi thuê, phụ thuộc vào chủ nhà. Có khi mới đầu tư xong một thời gian ngắn, chủ nhà không cho thuê nữa, thế là bao nhiêu công sức lại lãng phí”.

Tình cảnh các không gian sáng tạo của nhiều nghệ sĩ khác cũng tương tự. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người sáng lập “Ơ kìa Hà Nội” – một địa chỉ quen thuộc với những người yêu mến, tâm huyết với văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội cũng chia sẻ rằng, chị và nhiều nghệ sĩ đã rất trầy trật trong việc tìm kiếm địa điểm tổ chức không gian văn hóa sáng tạo như mong muốn.

"Một lần, nhóm từng “ngắm” được một khu vực gần nơi gửi xe, hầu như bỏ không của một trường đại học lớn. Khi nhận được sự ủng hộ của nhà trường, chúng tôi đã vô cùng mừng vui và muốn biến khu vực vốn lộn xộn này thành không gian sáng tạo độc đáo. Nhưng, sau đó, mong muốn này không thành hiện thực vì nhà trường thông báo là… vướng một số quy định pháp luật hiện hành", đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp kể.

Hiện nay, các không gian sáng tạo đa số phải thuê mặt bằng và đối mặt với sự bất ổn từ phía chủ nhà. Họ cũng thiếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Các không gian sáng tạo chưa thực sự được nhận thức như là một loại hình kinh doanh đặc biệt để được hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện ưu tiên. Vì vậy, các không gian sáng tạo này gặp nhiều hạn chế trong việc đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Không gian sáng tạo có thể coi là một địa điểm, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, tương trợ lẫn nhau để phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ, là không gian giải trí, đưa nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng. Gần 10 năm trước, Zone 9 là một không gian văn hóa sáng tạo đầu tiên tại Hà Nội, hình thành một cách hồn nhiên và tràn đầy năng lượng tại một khu xưởng sản xuất dược cũ trong trung tâm thành phố, đã thu hút cả những sự kiện văn hoá tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, Zone 9 đã bị khai tử chóng vánh sau khi nó ra đời một thời gian ngắn, mà đến nay Hà Nội vẫn chưa có một không gian văn hoá sáng tạo quy mô và sức hấp dẫn nào tương tự để đáp ứng mong mỏi của giới trẻ, giải phóng sức sáng tạo của xã hội.

Theo các chuyên gia, không gian sáng tạo, đặc biệt là các không gian sáng tạo nghệ thuật là một hướng giải quyết để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, hầu hết các không gian sáng tạo là của tư nhân. Do đây là mô hình kinh doanh mới nên hầu hết các không gian này đều chưa được hưởng các ưu đãi của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành. Gần như tất cả được vận hành theo cơ chế của một doanh nghiệp cho dù các không gian sáng tạo hình thành trên cơ sở hướng tới cộng đồng, kinh doanh mang tính chất mạo hiểm cao.

Chị Trương Thu Thủy mong muốn được tạo cơ chế, đặc biệt là mặt bằng, mong có một trung tâm không gian sáng tạo mà ở đó nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân, mô hình cùng tập trung tổ chức, tương tác. “Chính quyền Hà Nội nên có mạng lưới để những người tâm huyết, những sinh viên khởi nghiệp, những nghệ sĩ... phát triển không gian sáng tạo dễ dàng kết nối với nhau, tương trợ nhau” – Chị Trương Thu Thủy đề xuất.

Từ những công trình nghiên cứu của mình, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan cho rằng, không gian sáng tạo có nhiều giá trị đối với sự phát triển của đô thị. Tuy nhiên, việc phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn: "Đây không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn là vấn đề liên ngành chính sách. Việc đầu tiên là phải có không gian cho địa điểm sáng tạo, tức là cơ sở hạ tầng. Tôi thấy Hà Nội có cơ hội rất lớn khi chuyển đổi một số nhà máy công nghiệp cũ trong nội đô thành các không gian sáng taoh để mọi người tiếp cận dễ dàng. Thứ 2 là hỗ trợ về mặt thủ tục và tài chính các hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ, doanh nghiệp và sinh viên khởi nghiệp. Đặc biệt là cần xây dựng Quỹ sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau, từ phía chính quyền, doanh nghiệp và cả các nguồn từ nước ngoài. Thứ 3 là có quan điểm cởi mở với các vấn đề sáng tạo”.

Với hơn 1.000 năm văn hiến, Hà Nội được đánh giá có thế mạnh trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Và một trong những “mũi nhọn” cho sự phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô chính là các không gian sáng tạo. Trong thời gian tới, để các không gian sáng tạo có vị trí tốt hơn trong xã hội, ngoài những nỗ lực của cộng đồng, những người hoạt động sáng tạo trong tổ chức xây dựng, vận hành các không gian sáng tạo, thì cần sự quan tâm, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nhất là nhận thức của những người làm chính sách, để có chính sách phù hợp đối với các không gian sáng tạo.

Mời nghe âm thanh tại đây: