Phải khẳng định lại một lần nữa: Chủ trương xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với mong muốn làm sao “tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em…” là một chủ trương đúng. Điều đó cho thấy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng.

Thế nhưng, câu chuyện các nghệ nhân dù luôn đau đáu với trách nhiệm bảo tồn, song lại không mặn mà với việc rời bỏ nơi sinh chốn ở của mình để về sống gắn bó lâu dài tại Làng VHDLCDTVN là một thực tế không thể phủ nhận. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều này hoàn toàn có thể hiểu được – khi Làng VHDLCDTVN đã cho thấy sự chệch hướng ngay từ bước đi khởi đầu xây dựng mô hình. Một mô hình mà ở đó, ý nghĩa tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc, ý nghĩa đại đoàn kết dân tộc chỉ mới dừng ở khẩu hiệu, hô hào. Một mô hình thể hiện sự manh mún, chắp vá, nửa vời… dẫn đến không mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí còn phản tác dụng.

Những “sắc màu dân tộc” không thể trộn lẫn

Ở Việt Nam, 54 dân tộc là 54 sắc thái khác nhau. Đã bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao người Mông lại luôn chọn vùng núi cao để dựng nhà? Người Nùng ưa sống ven đồi? Người Thái men theo các con suối? Hay các tộc người ở Tây Nguyên khó có thể tách rời những thanh âm nơi đại ngàn hùng vĩ?... Đó chính là “sắc màu dân tộc” với những giá trị về không gian văn hóa, về những tập tục, đặc trưng riêng, không thể trộn lẫn.

Vậy nên, việc bà con chẳng mấy ai mặn mà với việc rời bỏ nơi sinh chốn ở của mình để về sống gắn bó lâu dài tại Làng VHDLCDTVN - thiết nghĩ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhất là khi mà “không gian Làng chưa thực sự phù hợp với không gian làng bản nơi bà con đang sinh sống” - như thừa nhận của ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng VHDLCDTVN.

Thực tế những ngôi làng của người Mông, Dao, Ê Đê, Rắc Lây… mà chúng tôi gặp trong Làng VHDLCDTVN, bà con sinh sống khá thưa thớt và lặng lẽ. Hầu như làng nào biết làng đấy, hiếm khi có sự giao lưu, kết nối… bởi đơn giản giữa họ là khoảng cách quá lớn. Sự khác biệt về văn hóa đã khiến cho giấc mộng về một “ngôi nhà chung” theo đúng nghĩa trở nên bất khả thi.

Bảo tồn văn hóa không có nghĩa là tạo ra một nhóm người tách khỏi cộng đồng

“Chúng ta làm văn hóa thì phải thấy được hồn cốt của văn hóa mỗi dân tộc là gì? Phải tính xem liệu mình có thể đưa được những ngọn núi Tây Nguyên, những cánh rừng đại ngàn, những thửa ruộng bậc thang vùng núi phía Bắc… đến Làng được không?”.

Câu hỏi này của ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã được ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng VHDLCDTVN khẳng định luôn là “không thể”. Cũng theo ông Chung: “Nhiều bà con khi về đây cho rằng không giống quê tôi. Làng tôi phải trên quả đồi, phải bên dòng suối… nhưng cái đó chúng tôi không thể đáp ứng được, mô hình chỉ mang tính tái hiện thôi”.

Nói như vậy, có nghĩa, chúng ta đang đi không đúng hướng - không đúng ngay từ việc xây dựng mô hình ban đầu. Vậy thì những con số đầu tư nghìn tỉ, vài nghìn tỉ… cũng chẳng còn giá trị.

Và cũng chính bởi vậy nên theo ông Lê Như Tiến, đây là “một mô hình không phù hợp, cần phải xem lại”.

Cái sự “không phù hợp” ấy, ở lẽ, bà con dân tộc vùng nào cũng vậy, phải sống với đất đai, thổ nhưỡng, không khí, làng bản của họ. Nếu tách họ ra khỏi không gian văn hóa đó để đưa về sinh sống lâu dài tại Làng VHDLCDTVN (như cách chúng ta đã và đang làm hiện nay) đương nhiên họ sẽ cảm thấy lạc lõng, xa lạ, còn đâu hồn văn hóa, hồn dân tộc? Và “nếu chúng ta cứ tìm mọi cách dồn bà con vào một khu như thế rồi bảo bà con cứ sống chung đi thì chắc chắn sẽ rất khó tồn tại”.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, dù rất thấu hiểu với những khó khăn mà Làng VHDLCDTVN đã và đang gặp phải, song cũng thừa nhận với một mô hình như thế này thì việc bà con không mặn mà khi đến sống tại đây cũng là điều dễ hiểu: “Bản thân chúng ta cũng thế, khi mà đến nơi xa lạ thì chúng ta cũng chỉ có thể hào hứng trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ là sự chán nản, là mong muốn trở về nơi ở cũ của mình. Đặc biệt khi chúng ta ở trong Làng VHDLCDTVN như thế này, không có quá nhiều các hoạt động, không có quá nhiều lợi ích, nhất là lợi ích về kinh tế… Do vậy chúng ta phải tính toán thật kỹ”. Và ông Sơn cũng cho rằng mô hình hoạt động của Làng VHDLCDTVN là chưa phù hợp với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các dân tộc Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Việt, nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam thì đưa ra thắc mắc “không hiểu sao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch lại lựa chọn phương thức này?”. Ông phân tích: “Bảo tồn và phát triển văn hóa di sản không có nghĩa là tạo ra 1 nhóm người tách khỏi cộng đồng. Âu Mỹ gọi là Human zoo – vườn bách thú người, giống như ta đi thăm vườn thú… Xét về mặt khoa học thì hầu hết các nhà khoa học đều không tán thành”.

Văn hóa là đời sống, văn hóa không thể tách rời sự phát triển, nên bất cứ một sự gò ép, khiên cưỡng nào - nếu có - thiết nghĩ cũng cần phải được xem xét, nhìn nhận lại một cách thấu đáo, nhất là với một dự án được quan tâm đầu tư lên tới cả vài nghìn tỉ đồng như Làng VHDLCDTVN.

(Mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp Kỳ 3: "Tiến" hay "thoái"?)