Kỳ 1: Giấc mộng ‘ngôi nhà chung’

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Đó cũng chính là lý do mà từ hơn 20 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với mong muốn làm sao “tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em…”. Làng VHDLCDTVN, một công trình đồ sộ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với nguồn đầu tư “khủng” từ ngân sách Nhà nước lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đến hôm nay đã hơn 10 năm chính thức đi vào hoạt động. Vậy sau 10 năm, Làng đã đem lại những giá trị gì cho nền văn hóa nói chung, công tác bảo tồn, tôn vinh di sản nói riêng? Hay chỉ là những bất cập trong cách thức quản lý, vận hành của một “mô hình nghìn tỷ” lãng phí và không xứng tầm?

Nghệ nhân về Làng

Nghệ nhân ưu tú, họa sỹ Lý Lết (dân tộc Khơ me, tỉnh Sóc Trăng) là một trong số những người khá am hiểu và có nhiều trải nghiệm với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDLCDTVN).

Nói đến nghệ nhân Lý Lết là nói tới một người con Khơ me tài hoa, rất am hiểu văn hóa, kiến trúc Khơ me và đặc biệt tâm huyết với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Cũng chính bởi lẽ đó mà ngay từ những ngày đầu khởi công xây dựng Làng VHDLCDTVN, nghệ nhân Lý Lết đã được Ban Quản lý Làng mời về để cùng sinh sống và tham gia vào quá trình trang trí, hoàn thiện công trình kiến trúc quần thể chùa Khơ me tại Làng.

Hơn 3 năm gắn bó với Làng, “rút ruột” với các hoạt động của Làng, rốt cuộc, điều mà nghệ nhân Lý Lết nhận ra là: mình không thể cứ tiếp tục kéo dài những năm tháng tại “ngôi nhà chung” này.

Ông bảo, cuộc sống này không phải cuộc sống của ông, không gian văn hóa này không phải không gian văn hóa mà một người con Khơ me như ông bao đời gắn bó. Quen đấy mà cũng thật lạ, gần đấy mà cũng thật xa… Và ông buồn, ông quay quắt, ông cô đơn ngay trong chính cái nôi văn hóa tưởng như đã là của mình.

Vậy nên chẳng còn cách nào khác, ông đành chọn “ra đi” - hay nói đúng hơn là “trở về”. Ông về với vùng đồng bào Khơ me Sóc Trăng quê ông, nơi mà chẳng cần gắng gượng, ông cũng có thể cảm nhận được rất rõ những mạch nguồn văn hóa cứ chảy tràn trong huyết quản, từng ngày, từng ngày, theo một cách hết sức tự nhiên…

Sau này, các cán bộ của Làng VHDLCDTVN thêm nhiều lần thuyết phục ông quay trở lại Làng, nhưng ông kiên quyết từ chối. Trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị dân tộc khiến một nghệ nhân như ông luôn đau đáu, nhưng bảo tồn, phát huy theo cách đó thì… ông không thể.

Nỗi niềm 'ngôi nhà chung'

Mỗi năm, Làng VHDLCDTVN đều đưa ra những con số ấn tượng về hiệu quả từ việc huy động các cộng đồng dân tộc về sinh sống, hoạt động thường xuyên tại Làng.

Ngay trong bản Báo cáo của Ban Quản lý Làng cũng nhấn mạnh: “Ban Quản lý đã huy động 15-16 cộng đồng dân tộc về sinh sống, hoạt động thường xuyên tại Làng… Tại chính ngôi làng của mình, đồng bào tập trung giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình… giới thiệu không gian văn hóa dân tộc và giao lưu với khách tham quan”.

Thực tế thì sao? Liệu có bao nhiêu trong số đồng bào được huy động về sinh sống coi đây thực sự là “ngôi làng của mình”, là “không gian văn hóa dân tộc mình”?

Rất nhiều đồng bào chúng tôi gặp tại Làng VHDLCDTVN đều tỏ vẻ tần ngần, thậm chí là lảng tránh khi được hỏi về cuộc sống ở đây.

“Người ta bắt mình đi thì mình phải đi thôi, không có chống lại đâu” – Người phụ nữ dân tộc Rắc Lây chia sẻ thành thực, ánh mắt vẫn không giấu được nét buồn xa xăm khi chúng tôi hỏi bà có nhớ nhà không. Bà là Ka Tơ Thị Xanh, quê ở Ninh Thuận, được vận động về sống tại Làng VHDLCDTVN từ vài tháng nay.

Nói vậy, chứ thực ra chẳng ai “bắt” cả, cán bộ đến nhà vận động, thuyết phục, bà thấy đây cũng là việc làm ý nghĩa nên quyết tâm tham gia. Nhưng ra đây rồi, lòng bà giờ chỉ muốn về. Bà sẽ xin về hẳn luôn…

Còn người phụ nữ này, chúng tôi gặp tại Làng Cơ Tu. Bà bảo bà già rồi, chồng cũng mất rồi, nên bà mới ra đây, chứ người Cơ Tu quê bà, nhiều người dù có thuyết phục cách nào cũng không chịu đi đâu, hoặc có đi thì dăm ba tháng lại xin về. Ở nhà có núi, có rừng, có đồng bào ríu rít sớm hôm, ở đây thì không, nên bà nhớ lắm, rất nhớ…

Thực tế này, tâm tư này của bà con, những người có trách nhiệm liệu có biết? Xin thưa – biết, thậm chí là nắm tường tận.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với PV VOV2, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng VHDLCDTVN cũng đã thừa nhận đây là vấn đề “rất khó” và “mất rất nhiều thời gian”. Thực tế những năm qua, Làng đã phải tìm mọi cách, lên phương án kết hợp với từng địa phương, nhưng việc vận động, thuyết phục bà con xem ra vẫn là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý.

Theo ông Chung, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là “do không gian Làng VHDLCDTVN chưa thực sự phù hợp với không gian làng bản nơi bà con đang sinh sống, nên công tác vận động vô cùng khó khăn…”.

Xem ra, với một mô hình như vậy, với cách thức vận hành như vậy thì mục tiêu ban đầu mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho Làng VHDLCDTVN khi đặt bút ký quyết định phê duyệt dự án này từ hơn 20 năm trước (Quyết định 667/1997/QĐ-TTg), đó là phải làm sao “tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em…” - thật khó có thể thực hiện.

(Mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp kỳ 2: Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam: Một mô hình khiên cưỡng)