Sáng nay (26/12), tại thành phố Lai Châu, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức tọa đàm đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến đường Tam Đường-thành phố Lai Châu-Phong Thổ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và bàn nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch nói chung và phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh nói riêng, trong đó, đã cùng nhau thảo luận và làm rõ các vấn đề như: đánh giá tiềm năng, thực trạng khai thác du lịch tại các điểm du lịch đã khảo sát, đồng thời xem xét khả năng hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc; đề xuất định hướng khai thác các điểm du lịch và dịch vụ du lịch địa phương. Trao đổi những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phải đối mặt khi khai thác và phát triển sản phẩm du lịch tại Lai Châu. Những vấn đề quan tâm của từng thị trường khách cụ thể đối với sản phẩm du lịch trên tuyến…

Lai Châu được biết đến với khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao quanh năm mát mẻ, nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và nền văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc; Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Lai Châu còn là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, là cầu nối giữa Sa Pa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc; đã khởi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu; chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có 01 cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, giai đoạn 2016-2020, doanh thu từ hoạt động du lịch tỉnh tăng bình quân 18%/năm. Có thể khẳng định du lịch Lai Châu đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, kết quả này được cho là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch còn thấp so với cả nước; thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến còn thiếu chuyên nghiệp, chưa thu hút được thị trường khách du lịch có mức chi trả cao, hình ảnh du lịch tỉnh chưa đến được với thị trường khách quốc tế...

Anh Huỳnh Việt Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Cộng đồng đề xuất: tỉnh cần đầu tư về giao thông giữa thành phố Lai Châu và Bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, đặc biệt nên phát triển sản phẩm dù lượn, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của bộ môn dù lượn ở Việt Nam tạo sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Thời gian tới, để thích ứng với điều kiện bình thường mới, ngành du lịch Lai Châu xác định khôi phục du lịch theo phương châm chủ động thích ứng, linh hoạt để đạt hiệu quả, đồng thời bảo đảm an toàn cho khách du lịch, cho cộng đồng. Lai Châu tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch gắn với triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và thông điệp “Lai Châu điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn”. Đồng thời cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”.

"Chúng tôi sẽ huy động sự hưởng ứng của doanh nghiệp du lịch qua các hoạt động kích cầu du lịch, tạo ra các dịch vụ du lịch liên hoàn với các chương trình du lịch độc đáo, đặc sắc. Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi nguồn khách nội địa". Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh.

Mục tiêu của Lai Châu là trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Bắc với những sản phẩm mới hội tụ đầy đủ các yếu tố “đặc thù, hấp dẫn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường” và đến năm 2030 đón trên 5 triệu lượt khách du lịch.