Vào mỗi độ giữa mùa xuân, đồng bào Tày ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) lại tổ chức thực hiện nghi lễ cầu an cầu phúc. Đây là dịp để mọi người tụ họp, giao lưu thể hiện niềm thành kính với thần linh, tổ tiên, biểu đạt ước vọng trong sáng về một cuộc sống hạnh phúc, an bình, no ấm…

Theo bà Phạm Lan Anh- Trưởng phòng Văn hóa-thông tin huyện Phú Lương, lễ cầu an, cầu phúc là một sinh hoạt dân gian gắn bó mật thiết với cộng đồng người Tày: “Đây là một trong những nghi lễ đặc trưng được người Tày rất coi trọng, thường tổ chức vào dịp tháng giêng tháng 2 hàng năm. Lễ cầu an cầu phúc của người Tày mang một giá trị tâm linh và đặc biệt hướng về những điều tốt đẹp, cầu cho một năm mới được an bình ấm nó và hạnh phúc”.

Theo phong tục truyền thống từ xưa đến nay của người Tày, lễ cúng cầu an, cầu phúc được xem là một trong những nghi thức quan trọng để cầu một năm an lành, may mắn. Cho nên, mỗi khi tổ chức hầu như gia đình nào cũng phải chuẩn bị lễ vật rất chu đáo từ các món mặn, món chay, hoa quả cho đến việc lập bàn thờ.

Khi tổ chức Lễ cầu an, cầu phúc, ngay từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình phân công nhau mỗi người một việc để cùng chuẩn bị các vật phẩm dâng lễ. Lễ gồm 3 loại: Lễ tam sinh (có gà, lợn quay, vịt cả chín và sống); Lễ chay gồm các loại như: bánh dầy, bánh dợm, bánh ngải, bánh chè lam; Thanh bông hoa quả gồm hoa, quả chuối. Lễ vật đước sắp xếp trên ban thờ tam cấp.

Ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc trung tâm văn hóa thể thao và truyền thông huyện Phú Lương cho biết: "Bàn thờ thì gọi là lập đàn để mời các vị thần linh tới ở trên trời xuống chứng kiến cho buổi lễ và chứng kiến lòng thành của chủ nhà, phù hộ độ trì cho chủ nhà, các vị khách, các vị chứng kiến buổi lễ gặp nhiều may mắn có nhiều sức khỏe. Nói dễ hiểu như kiểu người Tày ấy là cầu cho những xui xẻo trôi nhanh qua mình, những cái may mắn, vui vẻ thì nó đến với mình”.

Để thực hiện nghi lễ cúng cầu an, cầu phúc các gia đình phải chuẩn bị rất công phu từ trang trí ban thờ cho đến chế biến, bày biện các món ăn, các sản vật và hoa quả… Bởi người Tày quan niệm có đầy đủ các lễ vật rồi, khi làm lễ sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đằm (tổ tiên) phù trợ. Trên ban thờ Lễ cầu an, cầu phúc các loại giấy màu, lễ vật, sản vật bánh trái hoa quả bày biện theo một thứ tự đã định. Và một phẩm vật không thể thiếu đó là cây chuối khé.

“Bốn cây chuối này thế hiện ở các cung của các quan vận hạn. Trong lễ này mời các quan về để giải hạn cho mọi người trong năm đó. Điều đặc biệt là hoa chuối khé phải thẳng lên trời chứ không cong xuống dưới đất mới linh ứng. Cây chuối khé là phương tiện để giao tiếp và mời các quan xuống công nhận và phù hộ cho gia chủ” - Thầy cúng Ma Phan Trang ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương giải thích.

Khi thực hiện nghi lễ cầu an cầu phúc, ngoài các thành viên trong gia đình thì còn có họ hàng, hàng xóm với gia chủ cũng đến dự. Theo ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc trung tâm văn hóa thể thao và truyền thông huyện Phú Lương thì vị trí ngồi được thể hiện rõ ràng: "Thứ nhất đối với nhà sàn thì lấy cái bếp làm vị trí trung tâm. Khi nhìn vào bếp nả nưa, nửa nưa là phía bên trên dành cho thầy cúng, chủ nhà và người phụ lễ gồm có nàng hương, chàng khỏa, thày phụ lễ và công chủ nhà làm lễ. Còn Nả coang, nả coang là hai bên đấy, bên trái thì pản dài, bên tỏa phải là pản khoa vì chỗ đấy so với bếp dành cho họ hàng, làng xóm anh em ở đó để chứng kiến buổi lễ. Còn đối với phẩn nà tớ so với bếp ở bên dưới thì dành cho chị em gái, đàn bà con gái ngồi đấy. Khi mà mọi người lên chứng kiến vào vị trí ngồi thì biết vị trí vai trò của những người như thế nào”.

Lễ Cầu an, cầu phúc của người Tày Phú Lương trước đây thường được tổ chức khi đêm xuống và làm trọn một đêm. Nhưng hiện nay, nghi lễ này đã chuyển sang ngày, cũng là do điều chỉnh theo sinh hoạt thường nhật, theo nhu cầu của gia chủ. Lễ này, hầu như năm nào các gia đình người Tày đều tổ chức. Trong lễ này, mặc dù gia chủ có thể không mời hoặc mời rất ít (chủ yếu là anh em trong nhà), nhưng khi chuẩn bị làm lễ rất nhiều bạn bè hàng xóm đến giúp làm mọi thứ. Thực hiện nghi lễ này chủ yếu là vai trò của nam giới chủ chốt trong gia đình nhưng phụ nữ cũng có vai trò quan trọng.

Chị Lô Thị Phương ở xã Ôn Lương cho biết phụ nữ thường chuẩn bị bánh, xôi, oản và chuẩn bị các đồ lễ nhưng không được phép động vào bàn thờ. Khi làm lễ, bà con trong bản thường đến rất đông, việc góp mặt của bà con trong bản chính là thể hiện sự quan tâm chia sẻ giữa con người với con người.

Sau khi nghi lễ kết thúc, thầy cúng sẽ buộc chỉ vào cổ tay cho từng thành viên trong gia đình và những người có mặt với ý niệm sợi chỉ sẽ như một vật thiêng bảo vệ, mang an lành đến cho người được buộc chỉ.

Lễ Cầu an của đồng bào Tày là một trong những nét văn hoá đặc sắc còn giữ lại được trong đời sống tinh thần và phát triển cao trên cơ sở nền tảng tâm linh và nghệ thuật diễn xướng. Đó cũng chính là lý do để mỗi khi Tết đến xuân về, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị mở và dự lễ Cầu an với một niềm thành kính hướng về tổ tiên và cầu mong một năm mới an bình, no ấm.

Mời nghe âm thanh dưới đây: