Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động của Nhà Triển lãm Việt Nam hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980-19/5/2025).

Phát biểu tại sự kiện, ông Ngô Trịnh Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka đánh giá, mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản có chiều sâu lịch sử đáng tự hào. Trên tinh thần đó, thành phố Huế đã thiết lập mối quan hệ hợp tác sâu sắc với nhiều địa phương/thành phố Nhật Bản như Nara, Kyoto, Gifu, Yokohama… Việc Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025 được công bố ngay tại Nhà Triển lãm Việt Nam ở EXPO 2025 là cơ hội vàng để Việt Nam – đất nước năng động, thân thiện và đậm đà bản sắc đến gần hơn với bạn bè Nhật Bản và quốc tế.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO 2025, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giới thiệu một số thông tin về Năm Du lịch Quốc gia năm 2025 có chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới”. “Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025 bao gồm 170 hoạt động quy mô liên tỉnh, quốc gia, quốc tế diễn ra trong suốt năm 2025, trong đó có nhiều hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức. Chúng tôi tin tưởng rằng năm 2025, Huế sẽ trở thành một điểm sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam, là điểm đến hàng đầu thu hút khách tham quan quốc tế, bao gồm cả du khách Nhật Bản”, ông Trần Nhất Hoàng nhấn mạnh.
Để góp phần quảng bá Năm Du lịch quốc gia 2025 và Thành phố Huế, Nhà Triển lãm Việt Nam phối hợp với thành phố Huế trình chiếu liên tục các video giới thiệu về kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch và con người thành phố Huế trên hệ thống các màn hình bên trong và bên ngoài Nhà Triển lãm, trưng bày áo dài ngũ thân Huế, biểu diễn âm nhạc Huế trong các chương trình nghệ thuật thường ngày tại Nhà Triển lãm và tại các sân khấu ngoài trời của EXPO, phát tài liệu quảng bá về du lịch Huế cho khách tham quan…

Cũng tại sự kiện, Phó Tổng đại diện Việt Nam đã công bố video clip được sản xuất đặc biệt, sẽ trình chiếu trên màn hình lớn bên ngoài Nhà Triển lãm trong các dịp lễ lớn của dân tộc như 30/4, 2/9, kỷ niệm sinh nhật Bác… Mang màu sắc rực rỡ của bộ nhận diện nhà Triển lãm Việt Nam, với cảm hứng từ phong cách tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long, video giới thiệu những địa danh lịch sử Việt Nam, gắn liền với các sự kiện lớn của dân tộc, thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Hoạt động này được kỳ vọng sẽ góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế về một năm 2025 mang tính cột mốc, với một loạt các sự kiện kỷ niệm quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, từ ngày 23-25/5, Nhà Triển lãm phối hợp với Khu di tích Phủ Chủ tịch sẽ tổ chức Triển lãm ảnh và tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên gọi “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Biểu tượng của thời đại” tại EXPO 2025.
Dấu ấn Việt – Nhật tại Nhà Triển lãm Việt Nam
Với diện tích 300m vuông, thông qua trưng bày và ngôn ngữ triển lãm hiện đại, Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 mong muốn đóng vai trò như điểm hội tụ và lan tỏa các “câu chuyện tự hào về Việt Nam” được kể với bạn bè quốc tế về một xã hội lấy các giá trị văn hóa tốt đẹp làm nền tảng, đặt con người làm trung tâm, lấy sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, hướng tới sự hài hòa, công bằng, không một ai bị bỏ lại phía sau.
Một trong những nội dung trưng bày được nhấn mạnh chính là mối quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhà Triển lãm đã dành không gian trang trọng để điểm lại những hình ảnh, cột mốc đáng nhớ trong quan hệ song phương hai nước trong suốt 52 năm qua. Dấu ấn Việt – Nhật trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, đời sống, xã hội còn thể hiện xuyên suốt trong nhiều nội dung trưng bày khác như hình ảnh thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài trắng, tay cầm hoa sen, phía sau là hình tròn gợi liên tưởng đến Nhật Bản – đất nước mặt trời mọc; những chiếc túi làm bằng gốm Bát Tràng có cắm hoa theo phong cách Ikebana của Nhật Bản; bức tranh về Chùa Cầu – Hội An, biểu tượng gạch nối “giữa quá khứ và hiện tại” trong quan hệ hai nước.