Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời của cộng đồng cư dân vùng biển miền Trung. Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải, lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Đối với đời sống cộng đồng miền biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, cầu mong một năm “Trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”. Lễ hội cũng khơi dậy lòng tự hào, ý thức chủ quyền quốc gia ở mỗi người dân.
Lễ hội cầu ngư tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch được tổ chức hằng năm và quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Bình, diễn ra ở làng biển có lịch sử 380 năm hình thành và phát triển. Tại lễ cầu ngư, các bậc cao niên, ngư dân trong làng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, ngư dân đánh bắt an toàn.
Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương là dâng hương và đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất làng được cử lên dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện sự biết ơn đối với việc che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà đối với ngư dân trong những chuyến đi biển. Sau lễ dâng hương là tiết mục múa hát dân ca và biểu diễn “múa bông chèo cạn” do những ngư dân Cảnh Dương biểu diễn. Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho biết, cầu ngư là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng biển, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng.