Hơn 2.000 năm trước, vào ngày trăng tròn tỏ rạng của tháng Vesak thiêng liêng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ấn Độ cổ đại, nay là Nepal. Đức Phật đản sinh đã trở thành một sự kiện hy hữu của toàn nhân loại. Trải qua quá trình tu tập chứng nghiệm tâm linh, cũng vào thời khắc trăng tròn Vesak tại Bồ Đề đạo tràng Ấn Độ, Ngài đã giác ngộ thành Phật. Trong công cuộc hoằng pháp và độ sinh, ngài đã để lại cho nhân loại một kho tàng hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, con đường giải thoát khổ đau, hòa hợp và phát triển.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Đại lễ Phật Đản hay còn gọi là Đại lễ Vesak là một trong những lễ hội văn hóa, tâm linh lớn của Phật tử, bên cạnh lễ Vu Lan và lễ Thành đạo. Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, ngày lễ Phật Đản chính là kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền thì ngày này là ngày Tam hiệp, tức là vừa kỷ niệm Phật Đản, Phật thành đạo và Phật nhập niết bàn.

Ngày nay, Đại lễ Phật đản hay còn gọi là lễ Vesak đã trở thành lễ hội tôn giáo vì hòa bình của Liên hợp quốc, là đại lễ thiêng liêng của hàng triệu tín đồ trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam chúng ta, theo truyền thống Đại lễ Phật đản được Giáo hội Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 Âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.

Ngoài ra, trước và trong dịp Đại lễ Phật đản, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…. Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.

"Mùa Phật đản năm nay, Phật đản Phật lịch 2566, dương lịch 2022. Trong bối cảnh nhân loại đã trải qua hơn 2 năm dịch COVID-19, cùng với sự đe dọa của biến đổi khí hậu, xung đột và chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người, Phật đản là thời gian để Liên hợp quốc phát đi thông điệp của Đức Phật về hòa bình, lòng khoan dung, về thế giới không chiến tranh mà thay vào đó là tình thương, lòng bi mẫn, phụng sự con người và chúng sinh". Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ.

Sau 2 năm thực hiện trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay Lễ Phật Đản được tổ chức trực tiếp ở nhiều nơi với đầy đủ các nghi thức trang trọng, thành kính, không phô trương. Ngoài việc thực hiện các nghi thức ở chùa, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, các Phật tử có thể tổ chức tại tư gia, có thể thiết trí mô hình vườn Lâm Tỳ Ni, hoặc biểu tượng Đản sinh của Đức Phật, tùy điều kiện và hoàn cảnh, cùng các thành viên trong gia đình thực hiện nghi lễ theo nghi thức được Ban Nghi lễ Phật giáo hướng dẫn.

"Ngoài ra, mỗi người có thể thực hiện ăn chay, phóng sinh và làm việc thiện nguyện. Không chỉ trong ngày Lễ Phật Đản mà bình thường, các Phật tử cũng nên làm nhiều việc thiện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn mình. Làm việc thiện không chỉ giúp người khác mà còn giúp bản thân được thanh thản, nhẹ nhõm".

Mời nghe âm thanh cuộc trò chuyện với Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm tại đây: