Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế là một trong những điểm sáng của cả nước về liên kết địa phương trong việc xác định tài nguyên, hình thành sản phẩm và triển khai hoạt động xúc tiến du lịch. Mô hình này đã thành công trong nhiều năm qua và đóng góp một phần rất quan trọng trong thành công chung của du lịch Việt Nam, đặc biệt năm 2019 thu hút hơn 18 triệu lượt khách quốc tế. Vì thế, hội thảo lần này nhằm đánh giá các giá trị của sự kiện, lễ hội của 3 địa phương để hình thành chuỗi sự kiện công bố cho các doanh nghiệp tập trung khai thác.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, đánh giá vai trò của lễ hội sự kiện đối với 3 địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên - Huế thời gian qua và các chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị tổ chức sự kiện lễ hội thời gian tới; vai trò của cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch trong việc tổ chức sự kiện lễ hội, nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, hội thảo cũng tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc khai thác các giá trị sự kiện, lễ hội trong phát triển du lịch.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, 3 địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện lớn và thu hút được rất đông du khách trong và ngoài nước. Riêng với Đà Nẵng, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoạt động, ngành du lịch đã tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á – Routes Asia 2022, tiếp đó là chuỗi sự kiện: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Tận hưởng mùa hè; Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng… Nhờ các sự kiện được tổ chức thường xuyên, liên tục, Đà Nẵng đã 2 lần được vinh danh là Điểm đến sự kiện Lễ hội hàng đầu châu Á, góp phần không nhỏ vào sự phát triển, tăng trưởng của du lịch Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, một dấu ấn nổi bật của Huế trong việc phát huy lợi thế các di sản, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch là xây dựng và tổ chức thành công Festival Huế mang tầm quốc tế. Từ khi ra đời, Festival Huế đã không ngừng được đổi mới, mỗi kỳ thu hút hàng nghìn diễn viên cùng hàng chục đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của người dân, du khách, cũng như góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các quốc gia. Đáng chú ý, từ năm 2022, mỗi mùa trong năm sẽ có một đợt festival mang chủ đề, chủ điểm khác nhau, phù hợp với điều kiện thời tiết, văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống của xứ Huế.

Tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, ngành du lịch tại Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã có sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam cũng như khu vực châu Á. Các địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Để phát huy hơn nữa các lợi thế, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị 3 địa phương cần lựa chọn một vài lễ hội, sự kiện tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách.

"Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour du lịch. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách; nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội", ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng với Bảo tàng Đà Nẵng và Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam.