Khoảng 20h ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, quân dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Sáng ngày 20/12/1946, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam được phát đi khắp cả nước.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác rất nhẹ nhàng, nhưng lại rất súc tích và đi vào lòng người. Người ta hiểu rất rõ đường lối kháng chiến của Đảng là phải như thế, là ai cũng phải tham gia đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Cuộc kháng chiến gian khổ nhưng sẽ thắng lợi. Đó chính là tinh thần của lời kêu gọi”.

Tháng 8/1945, Cách mạng Tháng 8 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các thuộc địa, làm cho các thế lực đế quốc hết sức lo sợ. Mỹ và Anh công khai ủng hộ, giúp đỡ Pháp quay lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương.

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp tiến công Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, tiếp đó, đánh chiếm nhiều địa bàn quan trọng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, từng bước thiết lập hệ thống kìm kẹp tại cơ sở. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một mặt nhân nhượng, mặt khác kiên quyết phát động phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam chiến đấu, trực tiếp góp phần làm thất bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp.

Ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ, chấp thuận cho quân Pháp ra miền Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Tiếp đó, ký bản Tạm ước nhượng bộ cho Pháp thêm một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa ở Việt Nam. Tranh thủ thời gian hòa hoãn, nhân dân ta ra sức xây dựng lực lượng.

Ngày 22/5/1946, Chính phủ ra sắc lệnh quy định Vệ quốc đoàn chính thức trở thành Quân đội quốc gia nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra, cách mạng còn có gần 1 triệu đội viên thuộc lực lượng dân quân tự vệ khắp cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh suốt chặng đường về sau.

Cuối năm 1946, sau khi có thêm viện binh, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường... đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do. Ngày 18 và ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, trong đó Người khẳng định rõ: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!"…

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta tại các thành phố, thị xã ở Bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng đánh địch. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại, nhưng với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", đồng bào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, từng góc phố.

Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng. Trải qua gần 2 tháng liên tục chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, tổ chức nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài, lực lượng ta rút về hậu phương an toàn.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh đã xác lập đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính; trở thành ánh sáng soi đường cho dân tộc ta đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

76 năm đã trôi qua nhưng những giá trị tinh thần của công cuộc “Toàn quốc kháng chiến” vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện hiện nay. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, sự nhất quán trong tinh thần đại đoàn kết, tinh thần yêu nước vẫn luôn là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước qua mọi khó khăn, thử thách. Hơn thế nữa “toàn quốc kháng chiến” để lại những bài học giá trị cho đến ngày nay: “Trước hết là chúng ta luôn luôn nêu cao khát vọng hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh, bất đắc dĩ phải đứng lên cầm vũ khí để chống quân xâm lược. Khát vọng hòa bình luôn luôn thường trực trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Thứ hai là đại đoàn kết dân tộc, nếu không có sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc thì không thể đứng lên cầm vũ khí trong khi so sánh lực lượng như thế. Bài học thứ ba là tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp, huy động sức mạnh của toàn dân. Chúng ta cần nhấn mạnh đó là bài học về phương thức tiến hành chiến tranh, tổ chức cuộc kháng chiến phù hợp với điều kiện lịch sử lúc đó và mang lại hiệu quả cao nhất, giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng và phát triển từ nhỏ đến lớn”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.

"Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" là một bảo vật quốc gia, một hiệu lệnh khơi gợi tinh thần yêu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc. Lời kêu gọi này vừa tiếp nối truyền thống dân tộc vừa là nguồn động lực kết tinh thành sức mạnh to lớn để dân tộc ta vượt qua tình thế hiểm nghèo, khó khăn, thử thách. Đây là một quyết định trọng đại của cả dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genevơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Và 21 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã cắm lá cờ trên nóc Dinh độc lập, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đem lại độc lập thống nhất toàn vẹn cho đất nước.

Mời nghe âm thanh tại đây: