Mộc bản Triều Nguyễn là công trình mang tính bách khoa, vô giá, độc nhất và mang đậm dấu ấn thời cuộc. Đây là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Theo chị Trần Thị Minh, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Mộc bản Triều Nguyễn là khối di sản tư liệu có giá trị trên nhiều phương diện. Tài liệu Mộc bản được sản sinh cách đây trên 200 năm trong quá trình hoạt động dưới vương triều Nguyễn.

Nội dung của tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam dưới thời Phong kiến: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục. Đặc biệt về lịch sử: có 30 bộ sách gồm 836 quyển, ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy và có tính chính xác cao.

Trong các tấm Mộc bản, có một bản khắc bài "Nam quốc sơn hà". Đây là bản khắc gỗ cổ nhất bài thơ "Nam quốc sơn hà" còn lại cho đến ngày nay. Bên cạnh đó các bộ sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục cũng được lưu giữ bằng các khối Mộc bản. Chị Mai Thị Duyên, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cho rằng sự tồn tại của Mộc bản Triều Nguyễn góp phần khẳng định triều Nguyễn đã đưa nền sử học nước nhà thời quân chủ phát triển đến đỉnh cao. Nhiều bộ chính sử quan trọng như “Đại Nam thực lục tiền biên, chính biên”, hay sách “Khâm định Đại Nam hồi điển sử lệ Minh Mạng chính yếu” đều được lưu giữ bằng những tấm Mộc bản. Bên cạnh đó còn có sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, cuốn sử này không phải chính sử của vương triều Nguyễn nhưng ngày nay trong khối Mộc bản triều Nguyễn trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang bảo quản rất nhiều tấm mộc bản của sách Đại Việt sử ký toàn thư.

Hình thức thể hiện của Mộc bản triều Nguyễn rất đặc biệt, gỗ dùng làm ván khắc tài liệu là gỗ thị, gỗ Lê, gỗ cây nha đồng. Nét chữ khắc trên tài liệu rất tinh xảo và sắc nét. Ðây là những tài liệu có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.

"Hầu hết Mộc bản được khắc bằng chữ Hán chân nhưng cũng có thể khắc bằng chữ Hán thảo. Nhiều tấm Mộc bản có giá trị rất lớn như Mộc bản khắc sơ đồ hoàng thành nội Huế, ngày nay công tác trùng tu đại nội Huế phải dựa rất nhiều vào tấm tư liệu quan trọng này", chị Mai Thị Duyên cho biết.

Có thể nói các tấm Mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam. Ngoài ra tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn còn có giá trị đặc biệt khi nghiên cứu lịch sử, văn hóa của một số nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện Sử học, thì đây không chỉ đơn thuần là việc giúp cho các nhà sử học có tư liệu quý trong nghiên cứu mà còn giúp cho nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế biết được nước Việt Nam có từ bao giờ. "Đối với một xã hội hay một quốc gia thì bất cứ cái gì cũng có nguồn gốc của nó mà nguồn gốc từ đâu, căn cứ vào đâu thì căn cứ vào nguồn tài liệu gốc của nó, mà Mộc bản là tài liệu gốc nhất".

Kể từ khi dựng nước, nước ta đã trải nhiều thăng trầm với những biến động của lịch sử và quá trình ấy đã được các khối Mộc bản triều Nguyễn khắc ghi lại quốc hiệu và kinh đô nước Việt qua các thời kỳ. Có thể nói đây là nguồn tư liệu quý có giá trị cho hiện tại và tương lai bởi Mộc bản triều Nguyễn không chỉ tái hiện lại bức tranh sinh động về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta mà còn thể hiện khát vọng độc lập, tự chủ của người dân đất Việt.

PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, dù hiện tại hay tương lai thì Mộc bản triều Nguyễn đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mộc bản có ý nghĩa lịch sử nhưng đồng thời nó còn có ý nghĩa về mặt chính trị văn hóa, xã hội. Đây là bằng chứng xác thực nhất để cho cả thế giới hiểu Việt Nam có từ bao giờ, quá trình ấy cũng là quá trình mà dân tộc ta dần dần hoàn thiện mình và có những đóng góp đích thực cho lịch sử nhân loại.

Không thể phủ nhận, Mộc bản triều Nguyễn là những chứng tích về nền văn hiến truyền thống của dân tộc ta, phản ánh nhiều phương diện của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Ngoài ra, Mộc bản còn lưu giữ nhiều bản đồ về địa lý Việt Nam, về các đảo và quần đảo ở biển Đông, biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Những điều này đã chứng minh giá trị to lớn của tài liệu Mộc bản không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả quốc tế.

Mời nghe âm thanh tại đây: