Hôm 14/9, tại cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi), Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có một phát ngôn "gây bão" liên quan đến bộ phim "Người phán xử". Ông cho rằng: "VTV1 chiếu "Người phán xử", sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Chúng ta đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này"?

Căn cứ nào cho nhận định?

Phát ngôn của Thiếu tướng Lê Tấn Tới lập tức bị giới làm phim phản ứng mạnh. NSND Trung Anh - thủ vai Lương Bổng trong phim "Người phán xử" cho biết: "Tôi thấy người ta xôn xao về phát ngôn của đồng chí ấy. Nói thật, tôi cảm thấy chán. Đồng chí nói như thế là nói theo bản năng, không có căn cứ. Đồng chí cần đưa ra nghiên cứu xã hội học về vấn đề mà đồng chí nói chứ không thể thích thế nào thì nói như thế".

Còn đạo diễn Marcus Vũ Mạnh Cường chỉ ra 2 điểm bất hợp lý trong phát ngôn của ông Tới về "Người phán xử": Thứ nhất, cần chứng minh chiếu phim "Người phán xử" gây nên hậu quả tăng tội phạm; Thứ hai là tìm ra ai chịu trách nhiệm về vấn đề tội phạm tăng lên? Về ý một, điều này không thể chứng minh được. Dù có thống kê về tỷ lệ tội phạm trong thời gian trước, trong và sau khi chiếu "Người phán xử", thì cũng không có căn cứ chỉ ra nguyên nhân là do bộ phim. Câu hỏi thứ hai cũng không xác đáng, trách nhiệm để tội phạm gia tăng trong xã hội không thể đổ lên đầu một bộ phim truyền hình.

Tội phạm tăng có phải do xem phim?

Trên trang cá nhân, đạo diễn Charlie Nguyễn viết: "Ở Mỹ và các nước khác, theo mình biết tỷ lệ tội phạm tăng khi nền kinh tế suy sụp và người dân thất nghiệp. Điển hình cụ thể năm nay do Covid gây ra. Nhưng ở Việt Nam thì khác với các nước trên thế giới một cách ngược đời ghê, chỉ có coi xinê mới làm tăng tội phạm. Ngộ quá trời quá đất ha!"

PGS.TS Vũ Đức Khiển - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân II trong buổi "Tọa đàm khoa học công tác phòng chống tội phạm" tổ chức năm 2018 cho rằng: "Các băng, nhóm tội phạm hình sự muốn hoạt động được thường lợi dụng những người có điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp để lôi kéo họ vào con đường phạm tội. Vì vậy, chính sách xã hội cần tập trung giải quyết số lao động nhàn rỗi, tạo công ăn việc làm cho người lao động".

Từ đó có thể thấy rằng, tỷ lệ tội phạm gia tăng phụ thuộc nhiều yếu tố, mà phim ảnh chỉ là một trong số các yếu tố này. Nên nếu nói chỉ 1 bộ phim "Người phán xử" mà làm tăng tỷ lệ tội phạm thì quả là khiên cưỡng.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở do Ban Chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở Trung ương công bố, năm 2019 cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009, cho thấy trình độ dân trí nước ta đang tăng lên. Người dân với trình độ dân trí như thế đủ để phân biệt đâu là phim ảnh, đâu là đời thường.

Diễn viên Minh Tiệp, người từng nhiều lần đóng các vai phản diện trên màn ảnh nhỏ, hiện cũng đang làm công tác nghiên cứu văn hóa tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng đồng tình: Khán giả ngày nay đủ thông minh để phân biệt được đâu là phim và đâu là sự thật ngoài cuộc đời.

"Họ vẫn có thể dành tình cảm cho một diễn viên đóng các vai phản diện trên phim. Theo tôi, điều quan trọng với các diễn viên hiện nay là cần tăng cường tu dưỡng đạo đức, tránh xa các scandal. Tôi biết một số người tạo thị phi để nổi tiếng, điều đó là không nên. Công chúng hiện nay theo dõi nghệ sĩ không chỉ ngoài đời mà cả trên mạng xã hội. Một phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội hoặc cuộc sống đời thường sẽ khiến khán giả đánh giá tư cách diễn viên, chứ không phải bởi nội dung các bộ phim”.

Luật Điện ảnh đang được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Điều này rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng quá trình sửa đổi cũng cần có những ý kiến đóng góp đảm bảo tính khoa học, xây dựng, tạo hành lang cho sự phát triển, lường trước các phát sinh sau này, minh bạch, công bằng. Có thế mới đảm bảo sự phát triển của một lĩnh vực quan trọng trong Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa đến 2020 tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.