Trong các ngày 4-5/8, vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi với tên gọi "Đứa con của Yêu tinh" do Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc) hợp tác chính thức công diễn. Với cách thể hiện mới lạ, âm nhạc vui tươi, vở nhạc kịch đã đem đến cho khán giả trẻ một “món ăn tinh thần” vô cùng hấp dẫn.
Vở nhạc kịch được kỳ vọng góp phần phát triển văn hóa biểu diễn của cả Việt Nam và Hàn Quốc thông qua các hoạt động đồng sáng tạo, đồng sản xuất, đồng biểu diễn và trao đổi các chương trình giáo dục nghệ thuật trong tương lai. Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với NSUT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.
PV: Trước tiên xin ông chia sẻ đôi nét về vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi “Đứa con của yêu tinh”?
NSUT Sĩ Tiến: Có lẽ đây là một vở nhạc kịch mà được sản xuất theo công nghệ rất là quy chuẩn của Hàn Quốc. “Đứa con của yêu tinh” đã được dàn dựng và biểu diễn tại Hàn Quốc bằng phiên bản tiếng Hàn và các bạn bên Nhà hát SangsangMaru đã thực hiện nhiều năm, nay coi như là nhập khẩu bằng hình thức Việt hóa vở diễn này và đưa sang Việt Nam với chương trình hợp tác giữa hai Nhà hát: Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát SangsangMaru của Hàn Quốc. Thực tế thì chúng tôi đã thực hiện vở này từ năm ngoái nhân 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trong giai đoạn năm ngoái, chúng tôi đã đọc, chia sẻ và phân vai, phân tích rồi áp dụng các hình thức sử dụng âm nhạc của Hàn Quốc vào trong vở diễn, năm nay đưa vào thực tế là phân cho các diễn viên mà chúng tôi lên kế hoạch để dàn dựng biểu diễn trong mùa hè này.
PV: Thưa ông, vì sao Nhà hát Tuổi Trẻ lại chọn vở nhạc kịch này để hợp tác?
NSUT Sĩ Tiến: Thực tế thì Nhà hát Tuổi Trẻ đã có nhiều năm dàn dựng các chương trình nhạc kịch, tuy nhiên phải nói một cách công tâm rằng để hiểu trọn vẹn về nhạc kịch với ý nghĩa mang giá trị phổ quát mang tính đương đại cũng như quy chuẩn về nhạc kịch thì chúng tôi vẫn cần phải học tập thêm. Khi được kết hợp với Nhà hát SangsangMaru Hàn Quốc thì chúng tôi hiểu rằng các bạn đã có mấy chục năm kinh nghiệm trong việc làm nhạc kịch và đặc biệt hơn là chúng tôi là một đơn vị làm cho Thanh Thiếu Nhi và Nhà hát SangsangMaru cũng có đối tượng khán giả tương tự cho nên việc chọn vở diễn này trong thời điểm này là rất thích hợp. Bởi vì chúng ta phải thừa nhận rằng âm nhạc, cách sáng tác cũng như các ca khúc mà phía Hàn Quốc đang dàn dựng trong giai đoạn hiện nay có những lợi thế nhất định vì họ đã cân bằng được các giải pháp, trong đó ngoài những giải pháp về kỹ thuật thì là những giải pháp về âm thanh, âm nhạc và những giải pháp khác, giúp cho việc đưa vở diễn, đưa âm nhạc, âm thanh của họ đến với khán giả gần hơn... Thì chúng tôi đã tích cực tuyển chọn và “Đứa con của yêu tinh” sẽ sớm ra mắt trong vài ngày tới đây.
PV: Thưa ông vở diễn có sự tham gia của nghệ sĩ của hai nhà hát Việt Nam và Hàn Quốc. Vậy thì trong quá trình tập luyện có những thuận lợi, khó khăn gì?
NSUT Sĩ Tiến: Chúng ta đều biết Việt Nam và Hàn Quốc là hai nền văn hóa tương đối khác nhau và có nhiều thứ khác biệt. Nhưng điều rất quan trọng và đặc biệt là toàn bộ phía Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm về mặt diễn viên cũng như hạ tầng, toàn bộ âm thanh ánh sáng và các thứ khác phụ trợ đều do phía Việt Nam đảm nhiệm. Còn phía Hàn Quốc là chịu trách nhiệm sản xuất, tức là họ đưa một ê-kíp sang đây từ năm ngoái đến năm nay là hơn 10 người làm về biên đạo múa, biên đạo hình thể, rồi âm nhạc, âm thanh, nhạc sĩ, đạo diễn rồi các bộ phận khác... Những khó khăn có thể kể đến như bất đồng ngôn ngữ, rồi cách thức làm việc... nhưng dần dần chúng tôi đã hiểu nhau, đang tích cực tìm thêm những sáng tạo mới mẻ hơn nữa, để nó phù hợp với tiêu chí quy chuẩn quốc tế, được dàn dựng biểu diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ.
PV: Thưa ông nhạc kịch rất là phổ biến trên thế giới rồi thế nhưng ở Việt Nam thì lại không được biết đến rộng rãi lắm. Vậy với sứ mệnh của Nhà hát Tuổi Trẻ thì ông có kỳ vọng gì vào sự hợp tác này?
NSUT Sĩ Tiến: Đối với sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ với trên 40 năm chuyên làm các vở diễn dành cho Thanh thiếu nhi, sứ mệnh của chúng tôi là phục vụ khán giả trẻ thì nhạc kịch cũng không hề xa lạ, thậm chí ở Việt Nam chúng ta cũng có thể hình dung ông cha ta cũng đã có nhạc kịch. Ví dụ như tuồng, chèo, cải lương cũng là một hình thức của nhạc kịc. Với giá trị đương đại bây giờ thì cái mà chúng ta đang hướng đến tức là những giá trị nó mang tính đương đại và đồng thời nó có xu hướng quốc tế hóa. Nhưng trong quốc tế hóa thì Nhà hát Tuổi Trẻ cũng mong muốn hướng đến một phần nội địa hóa để không kể một câu chuyện quá xa lạ, để cho khán giả cảm thấy mình vẫn ở đâu đó trong dòng chảy nghệ thuật hiện đại. “Đứa con của yêu tinh” là một kịch bản của tác giả được giải Nobel văn học, ở đấy nó ẩn chứa rất nhiều điều về tình thương, về giá trị ứng xử giữa con người với các sinh vật sống trên trái đất này, về những giá trị sống, những mong muốn, khát vọng của con người... mà tôi tin rằng khi xem xong, các bạn trẻ sẽ hiểu về cuộc sống, hiểu thêm về những giá trị cao quý trong cuộc đời.
Chúng tôi không chỉ kỳ vọng vào vở diễn này đâu mà chúng tôi đã có kế hoạch hợp tác với nhau 5 năm để tiếp tục có những vở diễn với quy mô lớn hơn, có những vở diễn từng nă. Và chúng tôi sẽ cùng nhau rút kinh nghiệm về chiều sâu để làm sao tăng được chất lượng của nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam và tăng được chất lượng cho từng đêm diễn. Đấy chính là mong ước mà có thể đem được âm nhạc đến với khán giả nhỏ.
PV: Như ông chia sẻ, âm nhạc làm một cách gần nhất và nhanh nhất để có thể chuyển tải những thông điệp về văn hóa. Vậy thì trong vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” âm nhạc được các biên đạo cũng như là nhạc sĩ thể hiện như thế nào để có thể gần gũi và để cho khán giả trẻ Việt Nam dễ dàng tiếp cận nhất?
NSUT Sĩ Tiến: Các bản nhạc các bản nhạc được sử dụng trong vở diễn hoàn toàn của các nhạc sĩ Hàn Quốc và vở diễn này tại Hàn Quốc đã thu hút rất nhiều sự chú ý của khán giả trẻ. Đó chính là sự lựa chọn mà chúng tôi đưa vở diễn này đến Việt Nam và ban đầu vở diễn chỉ ở quy mô quy mô nhỏ thôi, thế nhưng mà để tiếp nối âm nhạc sẽ là cầu nối cho trẻ thì qua âm nhạc không chỉ khán giả trẻ, không chỉ các em bé thấy dễ học dễ thuộc dễ cảm nhận mà kể cả người lớn, phụ huynh cũng thấy rằng âm nhạc nó sẽ gần gũi hơn và sẽ giúp cho những câu chuyện được kể một cách mạch lạc, dễ thương, chở theo những mong muốn của tác giả, của ê kíp sản xuất.
PV: Thông điệp mà vở nhạc kịch này muốn truyền tải đến khán giả trẻ là gì, thưa ông?
NSUT Sĩ Tiến: Thông điệp của vở diễn là: Trong cuộc sống có sự khác biệt, khác biệt về con người, về chủng tộc... nhưng cuối cùng tình yêu thương, sự thấu hiểu lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ... sẽ giúp chúng ta gần nhau hơn. Và khi chúng ta gần nhau hơn thì chúng ta sẽ có một thế giới dễ hiểu, dễ thương và chúng ta chung sống hòa bình được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.