Đây là hoạt động kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11/2005 - 23/11/2023; Thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 31/5/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các sáng kiến ra nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, việc tổ chức những hoạt động này nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Việc Hà Nội gia nhập Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Trong suốt hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã anh dũng chống lại nhiều kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc. Trong chiến tranh, con người là yếu tố quyết định, song vũ khí cũng đóng vai trò quan trọng. Trưng bày “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê” là dịp để Bảo tàng Hà Nội giới thiệu bộ sưu tập vũ khí Ngọc Khánh gồm 111 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 41/QĐ-TTg (đợt 11, năm 2022).

Trưng bày giới thiệu đến công chúng hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu về Giảng Võ trường - nơi đào tạo quan võ và binh lính cho triều đình và các loại hình vũ khí thời Lê, qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, thể hiện sức sáng tạo, chính sách võ bị của các triều đại phong kiến và qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của nhân dân ta, một pháo đài bất khả xâm phạm, sức mạnh toàn dân đã đánh bại mọi kẻ thù.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, nghiên cứu vũ khí nhằm góp phần tìm hiểu nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh giữ nước của ông cha ta. Tiếc rằng, trong việc đào tạo nhân tài, đào tạo quan văn được ghi chép khá đầy đủ qua các thời đại cũng được chúng ta tham khảo qua sách Đăng khoa lục, hay qua văn bia tại các di tích Văn Miếu các tỉnh, thành. Song việc đào tạo về võ bị được ghi chép quá sơ lược và thiếu thốn nhiều. Các di tích đào tạo về võ ở Hà Nội như Giảng Võ Trường cũng đã được ghi từ thời Lê, nhưng đến nay tư liệu nghiên cứu về nó quá ít ỏi. Vì vậy, đặt ra cho những người làm khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu về vũ khí, cách dụng binh của một thời lịch sử là rất cần thiết, mà bộ sưu tập vũ khí khai quật được tại Giảng Võ Trường sẽ phần nào góp thêm nguồn tư liệu quý báu.

Bảo tàng Hà Nội được lựa chọn là trụ sở của Trung tâm điều phối không gian sáng tạo Hà Nội với mục tiêu đặt ra là kết nối các hoạt động sáng tạo. Hiện nay Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số lượng làng nghề thủ công truyền thống và nghệ nhân, thợ giỏi được vinh danh. Đây là nguồn đề tài vô tận khơi gợi cảm hứng sáng tạo của sinh viên chuyên ngành thiết kế nội thất. Với mong muốn tôn vinh làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, kết nối du lịch, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động thiết kế sáng tạo, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Diễn đàn Sinh viên nội thất Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại”.

Trưng bày tập trung giới thiệu về 10 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội gồm: Làng nghề đậu bạc Định Công, thêu Khoái Nội, mây tre đan Phú Vinh, điêu khắc Nhân Hiền, khảm trai Chuôn Ngọ, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, lược sừng Thụy Ứng, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh dân gian Hàng Trống. Và được thể hiện thông qua góc nhìn thiết kế sáng tạo của nhóm sinh viên đến từ 09 trường đại học của Việt Nam gồm: Đại học Mở Hà Nội, Lâm nghiệp Việt Nam, Duy Tân, Nguyễn Tất Thành, Xây dựng Hà Nội, Kiến trúc Hà Nội, Yersin Đà Lạt, Mỹ thuật Công nghiệp, Kiến trúc Đà Nẵng và trường King Mongkut’s University of technology North Bangkok- Thái Lan.

Đặc biệt, lần đầu tiên Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề "Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hoá thạch". Trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 1200 tài liệu, hiện vật, được thể hiện với sự giao thoa giữa khoa học - lịch sử - tự nhiên và nghệ thuật khi chúng ta được chiêm nghiệm qua những thước phim, thưởng thức các tác phẩm hội họa và đặc biệt là những mẫu vật hóa thạch có niên đại hàng trăm triệu năm.

Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội hiện đang sở hữu bộ sưu tập đồ sộ với hàng nghìn đầu mục tài liệu quý và hơn 15.000 mẫu vật hoá thạch được thu thập từ nhiều nơi trên thế giới và tại Việt Nam với niên đại cách đây hàng triệu đến hàng tỷ năm. Phần lớn các mẫu vật nói trên đã được Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận di vật, cổ vật. Đó là những mẫu vật có giá trị cao về mặt lịch sử và khoa học giúp tái hiện lại một vùng đất cổ sinh - dấu vết của sự sống xa xưa, từ đó kiến tạo nên không gian dành cho những người yêu thích cổ sinh vật học và hóa thạch khắp bốn phương.

Ngoài những hiện vật hoá thạch được trưng bày, Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội còn thiết kế một không gian 3D Mapping mô tả lịch sử hình thành Trái Đất bằng công nghệ 3D thực tế ảo. 3D Mapping là kỹ thuật sử dụng ánh sáng tạo ra các khối hình ảnh tương tác trong không gian ba chiều, là loại hình nghệ thuật hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay. Dưới hiệu ứng 3D, hình ảnh sẽ xuất hiện sống động trên không gian ba chiều gây hứng thú cho người xem.

Với việc tổ chức các trưng bày chuyên đề này, Bảo tàng Hà Nội không chỉ thể hiện vai trò là một không gian sáng tạo văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội mà còn hiện thực hóa các cam kết, sáng kiến của mình, đưa hoạt động sáng tạo vào mọi mặt trong đời sống.