Vào 20h ngày 20/4, Lễ Khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình" với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm" sẽ chính thức diễn ra. Cho đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, đó là khẳng định của ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV2.

PV: Thưa ông, là địa phương vinh dự được chọn đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2021, Ninh Bình đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện này?

Ông Bùi Văn Mạnh: Thực ra Ninh Bình đã có sự chuẩn bị từ năm 2020 nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2020 đã bị hoãn, toàn bộ các nội dung này được chuyển sang năm nay và chúng tôi cũng rất vinh dự được Chính phủ cho phép tiếp tục đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2021.

Để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2021 thì lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ…

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói tất cả công việc chuẩn bị đã được chúng tôi triển khai tốt, đảm bảo tiến độ đề ra và đã sẵn sàng cho Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Với chủ đề của Năm Du lịch quốc gia là “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm” thì chúng tôi muốn lấy giá trị văn hoá lịch sử hàng ngàn năm của vùng đất cố đô Hoa Lư, gắn với giá trị văn hoá lịch sử của Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An, qua đó để nhằm tôn vinh các giá trị, đặc biệt là giá trị di sản thế giới Tràng An.

PV: Ngoài Lễ Khai mạc thì chắc chắn cũng sẽ có nhiều những hoạt động, sự kiện hấp dẫn để thu hút du khách cũng như quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình. Vậy hoạt động du lịch nào được xem là điểm nhấn nổi bật trong năm Du lịch quốc gia 2021, thưa ông?

Ông Bùi Văn Mạnh: Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chúng tôi có 38 hoạt động chính, có một số hoạt động diễn ra từ đầu năm nhưng phải điều chỉnh quy mô cho phù hợp với công tác phòng chống dịch. Còn lại những điểm nhấn chính của Năm Du lịch quốc gia 2021 là: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ hội đền Thái Vi và 1 lễ hội mà chúng tôi tổ chức thường niên là Tuần Du lịch Ninh Bình Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An diễn ra vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 là dịp mùa lúa chín vàng tại vùng đất cố đô Hoa Lư.

Đặc biệt, Festival Kết nối di sản là hoạt động chúng tôi sẽ tổ chức 2 hoặc 3 năm/lần với mong muốn kết nối di sản Tràng An - Hoa Lư với các di sản trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó là các hoạt động văn hoá, thể thao như: giải bóng chuyền nam/nữ…

Ngoài ra còn có nhiều hoạt động hưởng ứng khác được tổ chức tại 27 tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Cà Mau...

PV: Các sản phẩm du lịch, tour, tuyến phục vụ du khách khi đến Ninh Bình đã được chuẩn bị ra sao, thưa ông?

Ông Bùi Văn Mạnh: Từ nhiều năm nay, Ninh Bình trở thành điểm đến thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước với hàng loạt những danh thắng nổi tiếng, hấp dẫn như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; quần thể chùa Bái Đính với tour Trải nghiệm Bái Đính về đêm; đầm Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ; khu du lịch Hang Múa, vườn chim Thung Nham; Tam Cốc - Bích Động; động Am Tiên; vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm…

Có thể nói, với thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh non nước hữu tình, có thể kết hợp nhiều phương thức tham quan bằng thuyền, ô tô, xe đạp… tôi tin du khách hoàn toàn hài lòng khi đến với Ninh Bình.

PV: Thưa ông, Năm Du lịch quốc gia 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Để đảm bảo an toàn cho du khách khi tham dự các hoạt động trong năm Du lịch quốc gia thì ngành Du lịch Ninh Bình đã có kế hoạch gì?

Ông Bùi Văn Mạnh: Công tác đảm bảo an toàn cho người dân và du khách được tỉnh, ngành Y tế, ngành Du lịch rất quan tâm, coi đó là ưu tiên hàng đầu.

Ngay từ đầu năm chúng tôi đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện thông điệp 5K của Bộ y tế. Cụ thể, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được chia thành 3 giai đoạn: Trước, trong và sau khi diễn ra Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2021.

Chúng tôi cũng yêu cầu các khu, điểm du lịch thường xuyên thực hiện khử khuẩn và yêu cầu tất cả khách du lịch khi đến tham quan các điểm đều phải đeo khẩu trang, thực hiện khai báo y tế, đồng thời cử cán bộ đo kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả du khách tại các điểm đến để giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành Du lịch.

Tại các điểm tham quan, nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện thì đều có trang bị khẩu trang, đặt dung dịch sát khuẩn tại nơi công cộng, phương tiện phục vụ khách du lịch...

Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi phối hợp với ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm những nhà hàng, khách sạn quanh khu vực tổ chức các sự kiện để bảo đảm an toàn...

Còn ngay trong Lễ khai mạc thì chúng tôi đã có những phương án, kịch bản về phòng chống dịch và bố trí xe cấp cứu, địa điểm cách ly nếu có trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19… để khi tình huống xấu xảy ra thì sẽ có phương án xử lý, kịp thời.

Tới thời điểm này có thể nói cơ bản các khu điểm, các cơ sở lưu trú đã thực hiện rất tốt, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.