“Lá đơn số 72”- Tác phẩm kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh "cán mốc" 300 đêm diễn

Vở kịch “Lá đơn thứ 72” của Sân khấu Lệ Ngọc ra mắt nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và nằm trong chủ trương xây dựng những tác phẩm đề tài chính kịch chất lượng dành cho khán giả Việt. Bước vào năm thứ 3, vở diễn “Lá đơn thứ 72” vẫn xuất hiện trong lịch diễn thường xuyên tất cả các đêm diễn, cả hai tầng nhà hát luôn kín khách, thậm chí còn phải kê thêm ghế phụ.

“Tất cả người dân Việt Nam và bản thân mình đều kính yêu Bác. Điều đó giúp mình vào vai Bác Hồ bằng cảm xúc. Về dáng vẻ thì thực ra rất khó để giống hoàn toàn nhưng về thần thái mỗi đem tôi đều nỗ lực để vẫn hồn cốt ấy nhưng thay đổi màu sắc diễn từng đêm. Các nghệ sĩ ở sân khấu Lệ Ngọc luôn nỗ lực cho từng vai diễn của mình”, NSƯT Văn Hải, người đóng vai Bác Hồ cho biết.

Sân khấu Lệ Ngọc, một sân khấu xã hội hóa luôn kín khán giả suốt thời gian dài dù dựng nhiều vở chính kịch và về nhân vật lịch sử, NSƯT Văn Hải cho rằng “bí mật” nằm ở việc lựa chọn kịch bản với những vấn đề gắn với cuộc sống hôm nay.

Tác phẩm kịch “Lá đơn thứ 72”, một câu chuyện có thật do tác giả Hoàng Thanh Du viết kịch bản từ tư liệu của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao - người từng giải mã nhiều vụ án oan sai. Vụ án oan về ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, từng là cán bộ địa phương, bị lĩnh án về tội giết người. Trong suốt 8 năm, ông Chồi liên tục gửi hơn 70 lá đơn để kêu oan. Năm 1966, Hồ Chủ tịch cho thư ký Vũ Kỳ chuyển đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao một lá đơn kêu oan của ông Đỗ Văn Chồi yêu cầu phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác. Kết quả, người tù được minh oan. Trong vở kịch, nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi được đổi tên là Đỗ Minh.

Câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có nhiều, nhưng chọn câu chuyện bám sát tình hình thời sự về về công lý, về nỗ lực không để xảy ra các vụ án oan sai cũng như cách quan tâm đến từng thân phận, từng cá nhân, quyết liệt cho công lý của người lãnh đạo đã khiến tác phẩm kịch “Lá đơn số 72” luôn kín khán giả.

Buổi diễn mở màn từ 20h và kết thúc lúc 22h40 nhưng khán giả vẫn lưu lại để được tặng hoa, nắm tay những diễn viên lúc này hóa thân trong nhân vật. Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc Dân khẳng định vở diễn vượt quá tưởng tượng của bản thân khi đem tới một câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy cuốn hút từ nội dung đến diễn xuất của từng nhân vật.

Vợ tù nhân Đỗ Minh trong tác phẩm kịch, người phụ nữ một mực tin chồng vô tội một mặt không ngừng động viên chồng tin ở sự thật, mặt khác suốt 8 năm ròng rã gõ cửa các nơi để gửi 72 lá đơn tìm công lý. Diễn xuất của vợ tù nhân Đỗ Minh khiến khán giả trảo nước mắt đồng cảm với nhân vật, với câu chuyện diễn ra trên sân khấu. Ít người biết diễn viên đóng vai vợ người tù Đỗ Minh chính là NSND Lệ Ngọc, người dẫn dắt sân khấu kịch Lệ Ngọc.

Sân khấu kịch Lệ Ngọc rất giỏi khi thu hút được lượng khán giả. Mà sân khấu sống được hay không sống được thì khán giả là yếu tố vô cùng quan trọng. Nghệ sĩ với khán giả như "cá với nước". Sân khấu Lệ Ngọc làm được điều mà không nhiều sân khấu làm được. Đó là đêm diễn nào cũng chật kín khán phòng. Đây là điều nhiều nhà hát cần học tập về sự năng động, cập nhật và nắm bắt tốt hơn nhu cầu của khán giả. Riêng NSND Lệ Ngọc rất giỏi, một năm chị ấy có thể dựng được 5,6 tác phẩm. Các đơn vị nghệ thuật của nhà nước, kinh phí của nhà nước cũng chưa chắc đã dựng được từng này vở trong một năm.
- NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

Xã hội hóa để tìm được người tài, người làm được việc và để nghệ thuật Việt Nam vươn mình

Từ năm 2013, dưới sự dẫn dắt của NSND Lệ Ngọc, miền Bắc đã có sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên. Giữa vô vàn phần việc nhằm duy trì hoạt động của đoàn kịch sáng đèn với cả trăm suất diễn mỗi vở, bước vào tuổi U70, nghệ sĩ Lệ Ngọc vẫn tiếp tục tỏa sáng ở nhiều vai diễn khác nhau.

“Chúng tôi tự tổng kết với nhau rằng mình là những con ong. Khi mọi người được gặp gỡ, hội ngộ, vui vẻ cùng nhau thì vì nghề, chúng tôi đi phục vụ. Ít khi cả gia đình đoàn tụ đầy đủ. Tôi nghỉ theo chế độ nhà nước đã mười mấy năm nhưng hầu như chưa có một ngày nghỉ ở nhà trọn vẹn”, NSND Lệ Ngọc chia sẻ.

Sinh ra trong gia đình làm văn hóa nghệ thuật, tiếp xúc sân khấu từ nhỏ, tình yêu với nghệ thuật, với công việc của người làm nghề “ngấm” theo cách tự nhiên nhất, trở thành mơ ước, đam mê lúc nào không hay. Dù thời điểm lựa chọn con đường nghề nghiệp, mẹ của Lệ Ngọc khi ấy đã lường trước với con gái về công việc lâu nay vẫn bị xã hội định kiến “xướng ca vô loài”. Nhưng những lần đứng ở hậu trường, nhìn những cô chú diễn viên cùng khóc cười, hóa thân vào nhân vật, cô gái 15, 16 tuổi Lệ Ngọc vẫn quyết liệt lựa chọn theo nghệ thuật.

Dự thi và đỗ vào cả 4 nhà hát hàng đầu của Việt Nam, Lệ Ngọc chọn nhà hát kịch, để rồi gắn bó suốt cuộc đời cùng những vai diễn khác nhau. Và ở thời điểm đó, một diễn viên trẻ không dễ để có được vai diễn, để được vài phút đứng trên sân khấu. Nhưng theo NSND Lệ Ngọc, chính sự cẩn trọng, chỉn chu từng chi tiết nhỏ trong quá trình dạy đến giao vai đã khiến lớp nghệ sĩ trưởng thành trong những năm tháng khó khăn của cả đất nước chắt chiu, nỗ lực hết sức trong việc đem đến cho khán giả những giây phút hóa thân toàn vẹn.

“Lần đầu tiên lên sân khấu, vai diễn của tôi làm một nữ nông dân Nga. Nhanh lắm, nhắm mắt, mở mắt đã biến mất mà tôi đến thật sớm để hóa trang, mặc đồ bông nóng ơi là nóng, người mình thì bé tí bé tẹo nên phải nhồi nhiều nên càng nóng hơn. Thế mà đến giờ nghĩ lại vẫn thấy hình bóng ấy nó hay lắm, đẹp lắm, ảo diệu tuyệt vời. Và đã làm gì phải làm đến nơi đến chốn là điều thế hệ chúng tôi được rèn luyện nhiều nhất, bền bỉ nhất”, NSND Lệ Ngọc nhớ lại.

Ngót 50 năm làm nghề, NSND Lệ Ngọc không thể nhớ nổi số vai diễn, vở kịch đã tham gia. Nhưng trong số đó, vai diễn mà ở đó một mình bà “cân” 6 nhân vật, để rồi mang về giải thưởng “Hoa dâm bụt” dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan sân khấu Asean tại Nam Ninh, Trung Quốc thực sự đáng nhớ. Đạo diễn, NS Anh Tú, lúc đó giữ vai trò Phó giám đốc nhà hát kịch bàn bạc và cùng Lệ Ngọc quyết tâm đưa trình diễn về đạo Mẫu lên sân khấu. Nào múa, nào hát, nào diễn, tất cả trong một, đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động, rèn luyện thực sự. Và khi giáo viên ở nhà hát chèo sang hướng dẫn, ngày 3 ca, một thầy một trò miệt mài nhập vai.

Tác phẩm không chỉ đem về giải thưởng “Hoa dâm bụt” cho NSND Lệ Ngọc mà còn “mở” ra những lời mời lưu diễn khắp châu Âu, cơ hội đem di sản Việt Nam được UNESCO công nhận giới thiệu, quảng bá tới bạn bè thế giới.

Năm 2016, NSND Lệ Ngọc về hưu. Sân khấu kịch Lệ Ngọc có tiền thân từ CLB Sân khấu Lệ Ngọc, nằm trong Nhà hát kịch Việt Nam lúc này tác ra, chính thức hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Dù nghệ sĩ không coi mốc này làm điểm dừng làm nghệ thuật nhưng giữa việc tiếp tục làm nghề với việc gánh vác nguyên một sân khấu kịch lại hoàn toàn khác nhau. Sân khấu xã hội hóa nói chung, sân khấu kịch xã hội hóa nói riêng không quá mới, quá lạ với khu vực miền Nam, đặc biệt như Tp Hồ Chí Minh. Nhưng thực tế cho thấy việc tổ chức sân khấu xã hội hóa ở khu vực phía Bắc, kể cả như ở địa bàn thuận lợi như Hà Nội cũng vô cùng khó khăn. Nguyên nhân theo NSND Lệ Ngọc tìm hiểu xuất phát từ lối sống, quan điểm cởi mở, dễ tiếp thu cái mới của người Nam. Và chính từ việc tìm hiểu này, NSND Lệ Ngọc quyết tâm chinh phục cả khán giả phía Nam bằng những “món ăn tinh thần” của người Bắc bằng cách gia giảm, nêm nếm và lựa chọn phù hợp.

“Ngay lần đầu vào Nam, chúng tôi diễn liên tục 25-30 buổi ở ngay nhà hát Lớn của thành phố, ngày 3 buổi, lúc nào cũng kín mít khách. Thành Lộc lên ôm Lệ Ngọc hỏi bí quyết cho những đêm diễn dày đặc. Tôi thì cho rằng quan trọng chúng ta phải biết đem đến cho khán giả “vị lạ” nhưng hấp dẫn để tự họ thưởng thức và thấy ồ hay nhỉ! phở ngon, bún chả cũng ngon. Đánh trúng, đánh đúng trở thành bí quyết hút khán giả phủ kín rạp hằng đêm”, NSND Lệ Ngọc phân tích.

Cũng câu chuyện thực hiện xã hội hóa sân khấu kịch, NSND Lệ Ngọc cho rằng bản thân bà và các đồng sự đã thực hiện từ 2013, khi bà còn công tác ở nhà hát kịch Việt Nam. CLB sân khấu kịch Lệ Ngọc khi ấy thuộc nhà hát kịch Việt Nam do NSND Lệ Ngọc tự bỏ tiền dựng vở, làm quảng bá, bán vé...

“Tôi thực hiện chủ trương xã hội hóa để dần dần các nhà hát phải có trách nhiệm với túi tiền của nhà nước. Tôi đã từng bị hỏi khi bản thân ở vị trí lãnh đạo nhà hát kịch quốc gia mà lại yêu cầu xã hội hóa. Khi đó chính tôi trả lời rằng tôi yêu cầu thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Điều này là đúng khi tôi đi rất nhiều nước khắp thế giới, họ có cần nhà nước tài trợ đâu? Ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc, ở Châu Âu, nghệ sĩ vẫn tự sống được với nghề.

Xã hội hóa sẽ tìm được người tài, người có trách nhiệm với đất nước. Và bây giờ tôi đang thực hiện đường lối vươn mình của Tổng bí thư. Bộ máy cồng kềnh, nhiều người không làm được việc vẫn trông vào ngân sách nhà nước cần phải bị dẹp bỏ để vươn mình ra thế giới”, NSND Lệ Ngọc bộc bạch.

Ở sâu khấu kịch Lệ Ngọc, bất kỳ diễn viên nào cũng có được cơ hội khẳng định bản thân, được “cháy” trên sân khấu hằng đêm và được đảm bảo thu nhập đảm bảo cuộc sống và yên tâm làm nghề. Để làm được điều này không dễ nhưng NSND Lệ Ngọc làm được bởi sự khắt khe từ quá trình chọn kịch bản, dựng vở, phân vai phù hợp để mỗi vở bước ra sân khấu hút khán giả nhiều đêm, nhiều trăm đêm như “Lá đơn số 72”.

“Phải hấp dẫn, hấp dẫn hơn. Tôi không cả nể trong lựa chọn kịch bản. Tôi từng đấu tranh khi khẳng định vở này chắc chắn không "ăn" khách, không dựng được. Và nhiều tác giả đã nói với nhau rằng viết kịch bản cho Lệ Ngọc không dễ chút nào. Điều này cũng hay khi chính các tác giả đến sân khấu kịch của chúng tôi để xem và tự chỉnh sửa mình để tác phẩm có thể đi xa hơn. Các cụ từng nói rằng khi mình đã hết lòng, mình sẽ nhận được trái ngọt”.

-Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc sinh năm 1960 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Cha của bà là nhà giáo, nhà văn, nhà viết kịch Việt Hoài.

-16 tuổi, Lệ Ngọc cùng lúc thi tuyển diễn viên vào Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, nhà hát múa rối và xưởng phim. Đỗ ở cả 4 đơn vị nghệ thuật nhưng cô gái trẻ Lệ Ngọc chọn nhà hát Kịch Việt Nam.

-NS Lệ Ngọc trong hành trình vào nghề sẵn sàng nhận và thử nghiệm nhiều vai diễn khác nhau, kể cả các vai phụ nhỏ nhằm rèn luyện bản lĩnh sân khấu cũng như có được trải nghiệm diễn đa dạng.

-Giai đoạn từ 2013-2015, NS Lệ Ngọc liên tiếp nhận giải diễn viên xuất sắc tại các cuộc thi sân khấu kịch chuyện nghiệp toàn quốc.Năm 2015 bà được trao danh hiệu NSND và bằng khen Thủ tướng chính phủ.

- Năm 2016, NSND Lệ Ngọc đoạt giải thưởng “Hoa dâm bụt”dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan sân khấu Asean tại Nam Ninh, Trung Quốc và cũng trong năm này, sân khấu kịch Lệ Ngọc chính thức tách khỏi nhà hát Kịch Việt Nam, trở thành sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên ở miền Bắc.

- NSND Lệ Ngọc hiện đang giữ chức Viện phó Viện di sản văn hoá dân tộc, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Văn hoá nghệ thuật Việt Nam

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: