Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng nay Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Theo đó, chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung chính, trong đó xây dựng con người Việt Nam, cốt lõi là hệ giá trị chuẩn mực đạo đức và phát triển công nghiệp văn hóa là những điểm mới được nhấn mạnh hàng đầu.
Trong những năm qua, dù đã được quan tâm, nhưng việc đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra. Bên hàng lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại điểu cho rằng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 20225 - 2035 đưa ra đúng thời điểm, nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, văn hóa chính là động lực, là sức mạnh “mềm” để phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì thế, để tạo ra sự thay đổi về văn hóa thì cần phải đầu tư nguồn lực: “Cần xây dựng chương trình mục tiêu về văn hóa, từ đó tạo định hướng tốt về xây dựng văn hóa, phát triển con người. Đặc biệt, hiện nay, có nhiều vấn đề văn hóa phát sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững đất nước, muốn xử lý những vấn đề này, bên cạnh hành lang pháp lý cần có nguồn lực và một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thì mới có thể đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống.”
Theo tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày: Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, đó là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Cùng với đó là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng mục tiêu thì có nhiều nhưng cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng. “Cần quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đấy là lĩnh vực chúng ta cần phải ưu tiên. Vấn đề thứ 2, văn hóa chính là con người cho nên cần có những giải pháp, những cách thức để làm thế nào phát huy được những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, hình thành những thói quen văn hóa của người dân để mỗi người dân sống nhân ái hơn, chan hòa hơn và là điểm sáng để bạn bè ấn tượng về con người Việt Nam hết sức thân thiện, nhân văn nhân ái”.
Theo tờ trình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chương trình được thực hiện trong 11 năm (từ 2025 đến 2035), chia làm 3 giai đoạn, gồm giai đoạn năm 2025, 2026-2030 và 2031-2035.
Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng. Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỉ đồng. Như vậy, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là 256.250 tỷ đồng.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng với nguồn kinh phí lớn và thời gian dài như vậy thì cần phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với mỗi giai đoạn thực hiện. Đại biểu chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta luôn luôn cần quan tâm đến hiệu quả của các chương trình vì nguồn lực có hạn, mong muốn thì có nhiều. Chính vì thế phải thường xuyên kiếm tra, kiểm soát, luôn luôn bám sát mục tiêu các dự án để từ đó có các chương trình, dự án phù hợp hơn với mục tiêu đà đề ra. Đồng thời phát huy hiệu quả tối đa của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.”
Có thể nói, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận, trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào cuối năm.