Đề tài chiến tranh cách mạng là một trong những dòng phim chủ đạo của điện ảnh cách mạng Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Bằng ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật thứ 7, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh.
Thời gian gần đây, nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng đã thể hiện cách nhìn mới mẻ, đa diện. Nhiều đề tài tưởng đã cũ nhưng đã được làm với một diện mạo rất mới, có cá tính riêng và đã thu hút đông đảo người xem. Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với Đạo diễn Đào Thanh Hưng về nội dung này :

PV VOV2: Thưa Đạo diễn Đào Thanh Hưng, từ những năm 60 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20 thì nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng đã được sản xuất. Đây có thể xem là giai đoạn thăng hoa của dòng phim này bởi đã mang được hơi thở của thời cuộc. Anh có đánh giá thế nào về điều đó?
Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Phải nói rằng đây là một thời kỳ vô cùng thăng hoa của những nhà làm phim, của đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật nói chung và những nhà làm phim điện ảnh nói riêng. Từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam là “Chung một dòng sông” cho đến suốt một chặng đường dài sau đó đã cho ra hàng trăm những bộ phim khắc lại dấu ấn trong lòng khán giả. Những nhà làm phim ngày ấy có một môi trường làm việc trong mơ. Điển hình có những bộ phim có thể quay trong suốt 1 năm. Còn bây giờ, những bộ phim điện ảnh thì có thể sản xuất 35- 45 ngày thôi. Có những bộ phim kinh phí thấp và nhà đầu tư hay nhà sản xuất có thể ép xuống 25 - 30 ngày. Những nhà làm phim ngày ấy khi mà đi đến những bối cảnh, địa điểm, địa danh để quay phim thì được cả làng, cả huyện thậm chí là lãnh đạo của tỉnh xuống đón tiếp như những người quan trọng, hỗ trợ tất cả mọi thứ từ cơ sở vật chất cho đến nguồn lực. Nhiều khi cần những cảnh quần chúng là cả một làng kéo ra để làm diễn viên quần chúng. Bây giờ thì khác, khán giả hiện đại bây giờ có rất nhiều lựa chọn và mọi người cũng lười đến rạp hơn.

PV VOV2: Đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến vẫn luôn thôi thúc các nhà làm phim Việt Nam khai thác. Tuy nhiên, không có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang và thực sự níu được chân khán giả. Anh có lý giải thế nào về tình trạng này ?
Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Phim về chiến tranh là một đề tài vô cùng thú vị và tạo được cảm hứng cho nhiều người xem. Tuy nhiên, thời kỳ hiện đại như bây giờ thì những bộ phim mang tầm vóc thực sự không nhiều. Có những phim cũng tiêu tốn khá nhiều tiền bạc nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ, vẫn sáo mòn và mờ nhạt. Bây giờ chúng ta có máy quay rất hiện đại để có thể làm phim chiếu rạp nhưng đi kèm theo đó phải là cả một hệ thống đồng bộ song song. Bối cảnh, đạo cụ, phục trang thì chúng ta phải phục dựng và tái hiện lại. Chưa kể những bom đạn, máy bay trên bầu trời, những trận đánh pháo kích... phải sử dụng đến các kỹ xảo điện ảnh mà bản thân việc này cũng rất là đắt đỏ. Mỗi một giây trôi qua là rất nhiều tiền và đó là những lý do khiến phim chiến tranh đội kinh phí rất là nhiều. Tuy nhiên, vẫn không bao giờ đủ đối với những bộ phim chiến tranh. Những bộ phim nước ngoài đầu tư vô cùng lớn, lên đến cả trăm triệu đô la và đây là điều không tưởng với điện ảnh Việt Nam. Ở nước ngoài, với bộ phim như vậy, có những ê kíp hùng hậu tụ họp, những nhà biên kịch lừng lẫy để phân tích tâm lý nhân vật qua từng frame hình, những nhà sản xuất bối cảnh đến từ nhiều quốc gia và những nhà may tốt nhất để có thể may được những bộ trang phục đúng với người lính trong những giai đoạn đó hay là những kỹ xảo vượt bậc. Việt Nam còn nhiều khó khăn nên chưa có nhiều bộ phim chiến tranh cách mạng xứng tầm với thực tiễn lịch sử.

PV VOV2: Chúng ta có nhiều phim về chiến tranh cách mạng, tuy nhiên, cách thể hiện dường như vẫn chưa chạm được đến cảm xúc của khán giả. Không ít bộ phim mà kịch bản, lời thoại, bối cảnh, diễn viên dường như vẫn giáo điều, khô khan, chưa thực sự hấp dẫn...
Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Nếu như theo dõi những bộ phim về chiến tranh ngày trước của các đạo diễn gạo cội như: “Lửa trung tuyến”, “Con chim vành khuyên”, “Chị Tư hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”... ta thấy các nghệ sĩ nhập vai rất thần kỳ. Những sự nhập tâm ấy khiến cho khán giả rất xúc động. Nhưng các diễn viên ngày nay phải chạy show nữa, rất là khó để có thể kiếm được những diễn viên toàn tâm toàn ý cho một dự án. Điều thứ hai là những nhà biên kịch trẻ hoặc trung tuổi thì cũng đã rời xa chiến tranh rất lâu rồi, họ hiểu về chiến tranh không nhiều khiến cho những câu thoại, những bối cảnh không có sự tâm huyết. Tôi cũng đã làm việc với nhiều biên kịch và thấy rằng, có người cũng không đầu tư cho tác phẩm của mình đâu nên đạo diễn ra hiện trường vẫn phải xé kịch bản đi và vẫn phải viết lại rất nhiều. Theo tôi, người sáng tạo phải toàn tâm toàn ý cho sản phẩm của mình.

PV VOV2: Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì vẫn có những thước phim về chiến tranh cách mạng, về lịch sử cũng rất đáng xem, thậm chí là bùng nổ phòng vé so với các dòng phim khác, như là “Áo lụa Hà Đông”, “Đừng đốt”, “Mùi cỏ cháy”... hay mới đây là “Đào, Phở và piano”, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, thưa anh ?
Đạo diễn Đào Thanh Hưng: Theo tôi đây chính là bước ngoặt. Trước đây có rất nhiều bộ phim chiến tranh đã từng làm nhưng sự đầu tư về mặt kỹ xảo, đầu tư về mặt công nghệ sản xuất phim là chưa có bằng. Một điều rất quan trọng là dòng phim chiến tranh nhưng lại tạo ra được sự lan tỏa giống như phim thị trường, tạo ra một cơn sốt vô cùng lớn. Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là một bước ngoặt khiến cho chúng ta phải nhìn lại. Đầu tiên là những phim này hợp với nhãn quan, thị hiếu của người xem. Thứ hai là hiệu ứng truyền thông khiến cho khán giả kéo đến rạp để xem và sẽ khiến cho các nhà làm phim chiến tranh cách mạng phải thức tỉnh bởi vì cũng có thể có doanh thu lớn. Tôi nghĩ rằng, đề tài này sẽ không bao giờ hết hot và sẽ mở đường cho ra những bộ phim chiến tranh hấp dẫn hơn.
PV VOV2: Xin cảm ơn anh!