Theo Ban tổ chức, trưng bày nhằm gợi nhớ thời khắc lịch sử hào hùng của những ngày chiến thắng trở về để thế hệ sau càng thêm thấu hiểu và tri ân công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày, từ đó thêm trân quý giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do ngày hôm nay.

Trưng bày chuyên đề “Phút hồi sinh” được chia làm 3 phần.

Phần I: “Mở cửa ngục tù”, thể hiện hình ảnh sau năm 1954, hệ thống nhà tù, trại giam được đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập khắp miền Nam, trong đó, 6 nhà tù, trại giam được mệnh danh là “địa ngục trần gian” lớn nhất miền Nam là: Côn Đảo, Phú Quốc, Chí Hòa, Phú Lợi, Tân Hiệp, Thủ Đức. Tại các nhà tù này, nhiều thủ đoạn tàn khốc đã được áp dụng nhằm đày ải về thể xác, tinh thần tù nhân. Tuy nhiên, những hình thức tra tấn ấy đã không khuất phục được sự kiên trung của các chiến sỹ cách mạng. Nhiều tấm gương kiên cường chiến đấu, hy sinh lẫm liệt như câu chuyện của đồng chí Nguyễn Đình Xô với trái tim rực lửa khi bị địch dùng đinh 3 phân đóng vào 10 ngón tay, lấy bao bố trùm lên người mặc cho đồng chí giãy giụa la hét, chúng liên tục dội nước sôi cho đến khi đồng chí tắt thở; đồng chí Nguyễn Văn Ni, Bí thư Đảng ủy phân khu A2 bị đục xương bánh chè và dùng dùi sắt nung đỏ đâm xuyên qua bắp chân; tấm gương “sống anh dũng – chết hiên ngang” của đồng chí Đặng Hồng Sơn khi bị địch tra tấn, đóng 9 chiếc đinh vào cơ thể…

Phần II: “Ngày chiến thắng trở về”. Sau thất bại liên tiếp ở các chiến trường, đặc biệt là cuộc tập kích 12 ngày đêm bằng không quân ra miền Bắc (12/1972), Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973). Đây là mốc son lịch sử, mở đường cho ngày trở về của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Không thực hiện theo điều khoản đã ký kết, địch thường xuyên dồn trại, luân chuyển tù nhân các nhà tù, chuyển đổi hồ sơ của tù chính trị thành thường phạm… gây nhiều khó khăn cho việc trao trả. Trước tình hình trên, ở nhiều nơi trong đó có Nhà tù Côn Đảo, Trại giam tù binh Phú Quốc, các chiến sỹ đã đấu tranh quyết liệt chống lại âm mưu nham hiểm của địch và chuẩn bị mọi mặt cho ngày chiến thắng trở về. Các cuộc trao trả diễn ra nhiều đợt tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó hai địa điểm trao trả lớn nhất là sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và sân bay Lộc Ninh (nay thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Phần III: “Viết tiếp bản hùng ca” thể hiện khoảnh khắc sau ngày chiến thắng trở về. Vượt qua nỗi đau thương tật, hoàn cảnh khó khăn, các cựu tù binh, tù chính trị vẫn vươn lên trong quá trình học tập, công tác với nỗ lực bền bỉ. Luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh tại nơi “địa ngục trần gian” năm xưa, những người tù đã phối hợp với lực lượng vũ trang của địa phương tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, thăm hỏi các bạn tù có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2008, sau những đợt khai quật, hơn 1.300 hài cốt của các liệt sỹ tù binh Phú Quốc đã được tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc tổ chức an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Phú Quốc.

Để Trưng bày "Phút hồi sinh" thêm phần sống động, chạm tới cảm xúc của khách tham quan, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã diễn hoạt cảnh “Phút hồi sinh” nhằm tái hiện những phút giây lịch sử hào hùng của thời khắc trao trả những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại bờ sông Thạch Hãn; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu tù binh Trại giam Phú Quốc từng được trao trả ở Thạch Hãn, Lộc Ninh năm 1973 - 1974.

Trong thời gian diễn ra trưng bày “Phút hồi sinh”, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức hai chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử về Trưng bày “Phút hồi sinh” và diễn hoạt cảnh vào ngày 16/3 và 21/3/2023.