Tại lễ tổng kết, Ban tổ chức cho biết, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề "Giao lộ sáng tạo" diễn ra trong 9 ngày liên tục (từ 9-17/11/2024) đã đón tiếp gần 30 vạn nhân dân và du khách tới thưởng lãm và tham gia.

Bước sang kỳ thứ 4, đánh dấu 5 năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội và được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá tiêu biểu như: kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo…

Điểm nhấn là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng từ các không gian sáng tạo đã mang lại không khí tưng bừng của Lễ hội trên toàn Thành phố.

Tham gia Lễ hội năm nay, người dân và du khách được trải nghiệm các không gian sáng tạo tại các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự Nhiên (Đại học Tổng hợp cũ), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ) và các không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn. Trong đó, nhiều công trình kiến trúc lần đầu mở cửa đón khách tham quan, trở thành không gian sáng tạo hấp dẫn thu hút lượng lớn người dân và du khách xếp hàng trải nghiệm như: Trường Đại học Tổng hợp, Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính Phủ)…

Tại sự kiện, Ban tổ chức ra mắt Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội và vinh danh các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho thành công của lễ hội. Việc ra mắt Trung tâm hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế sáng tạo Hà Nội.

Trung tâm được đặt trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, gồm các không gian triển lãm ngoài trời và trong nhà, giúp cung cấp không gian để giới thiệu, quảng bá và kết nối một cách hiệu quả các sáng kiến vì sự phát triển của Hà Nội với cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến các sáng kiến và sản phẩm thiết kế sáng tạo.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, việc cho ra đời Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội là minh chứng cho cam kết của Thủ đô với UNESCO khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo.