Hoa sen ngoài vẻ đẹp tự nhiên, hương thơm hữu sắc còn gắn bó với đời sống người dân và trở thành một phần trong tâm thức của người Việt. Từ Bắc, Trung, Nam, cây hoa sen có mặt khắp nơi, gần gũi và thân thiết với mọi người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi.

Tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt” với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS Trần Hậu Yên Thế, TS Trần Đoàn Lâm, Nhà sưu tập - Kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm đã tập trung vào các nội dung: Sen trong đời sống văn hóa Việt; Sen trong mỹ thuật; Sen trong thi ca; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt thông qua hình tượng hoa sen.

Theo TS Trần Đoàn Lâm, trong thi ca, sen là chất liệu cho rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, là đối tượng gợi cảm hứng, đem lại cảm hứng trong nghệ thuật, văn chương Việt Nam. Thông qua thi ca, hình ảnh hoa sen được miêu tả vừa cụ thể, chân thực vừa mang tính tượng trưng và khái quát rất cao.
Ca ngợi vẻ đẹp của hoa sen, các nhà thơ đã phản ánh lẽ sống cao quý của con người Việt Nam từ ngàn đời nay: tự tin về bản thân luôn giữ được tâm hồn trong sáng, phẩm chất thanh cao, dù hoàn cảnh sống có nghiệt ngã đến đâu. Với bức tranh tuyệt mỹ được vẽ bằng ngôn ngữ, hoa sen sẽ lưu lại mãi mãi vẻ đẹp và hương thơm cao quý trong văn chương và trong lòng người dân đất Việt.

Tại tọa đàm, TS Trần Hậu Yên Thế đã chia sẻ một góc tiếp cận mới về hình tượng hoa sen trong mỹ thuật, đó là Tuyết liên hoa - loài hoa sen mọc trên núi tuyết. Tuyết liên hoa có tên khoa học là Saussurea involucrata, hay còn gọi sen tuyết, là một loài cây thuộc một chi thực vật có hoa trong họ cúc. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi hoa sống trên những ngọn núi tuyết ở độ cao 2.500 - 4.000m so với mực nước biển và khi nở rộ có hình dáng tựa như đóa sen thơm ngát cả một vùng núi tuyết hoang vu. Những ngọn núi tuyết ở vùng núi Thiên Sơn thuộc tỉnh Tân Cương, Trung Quốc chính là nơi người ta tìm thấy loài hoa này lần đầu tiên. Chính vì thế, cái tên Thiên Sơn Tuyết Liên cũng bắt nguồn từ đó. Tuyết liên quý hiếm còn được tìm thấy ở dãy Himalaya bao gồm Sikkim ở Ấn Độ, tây nam Trung Quốc (Tứ Xuyên, Tây Tạng và Vân Nam) và cả miền bắc Miến Điện.

"Những bằng chứng khảo cổ cho thấy trong mỹ thuật Đại Việt, ngay từ thời Lý, Trần, Tuyết liên hoa đã có trên những mảng chạm trang trí kiến trúc, trang trí văn bia Phật giáo. Có thể liệt kê ra rất nhiều đồ án hoa tuyết liên như: trên thành bậc nghê sấu tìm thấy ở sân Quần Ngựa (Ba Đình, Hà Nội), trên tháp Chương Sơn, bia Thiệu Long tự bi…" - TS Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.

Với nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm, trong tâm thức mỗi người Việt Nam, hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết. Không chỉ vậy, hoa sen có sức sống mãnh liệt kỳ lạ: mọc trong bùn, sống trong nước và vươn lên dưới ánh mặt trời để nở hoa. Ngoài ra, cây hoa sen tượng trưng cho bản tính tự thích nghi, thân thiện, phong thái tao nhã tinh thần vươn dậy trong mọi hoàn cảnh của con người Việt Nam, vì thế, sen gắn bó với người Việt cô vùng khăng khít. Họa tiết sen xuất hiện rất nhiều trong trang phục, kiến trúc, nghệ thuật sân khấu, hội họa... của người Việt rất phong phú, tinh tế.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm còn diễn ra nhiều hoạt động như: Trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề Sen của nhà thiết kế Việt Phượng, tiệc trà sen, ẩm thực sen...