Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được khoảng 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay và có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024 trở đi. Tuy nhiên, khu vực Đông Á đang có sự phục hồi chậm hơn so với đà phục hồi chung của thế giới. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm nay, khu vực này mới chỉ phục hồi được khoảng 60% so mức trước đại dịch do ảnh hưởng của của các thị trường nguồn và việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế chậm hơn. Theo thống kê năm 2022, các nước thành viên ASEAN đã đón 43 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chỉ phục hồi 30% so với mức năm 2019.

Nhằm phát triển bền vững và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, các nước ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác, nhiều dự án, hoạt động chung đã được triển khai như: Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch Phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn sau COVID-19… Trong đó, xây dựng sản phẩm du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến ASEAN là một trong những nội dung quan trọng của hợp tác, giúp kết nối điểm đến nội khối và nâng cao sức cạnh tranh cho khu vực.

Thông qua hội thảo, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn lắng nghe ý kiến, quan điểm các nước thành viên ASEAN, các chuyên gia quốc tế và trong nước về giải pháp phát triển và kết nối điểm đến du lịch lễ hội ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần đa dạng hoá sản phẩm và phục hồi du lịch khu vực. Đồng thời, thảo luận các khuyến nghị để quản lý và khai thác lễ hội cho mục đích du lịch hiệu quả, đảm bảo phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá - di sản theo hướng bền vững.

Các nước ASEAN được coi là đất nước của các lễ hội. Nơi đây các lễ hội diễn ra quanh năm và ở khắp nơi với nhiều sắc thái khác nhau. Du lịch lễ hội đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của khách du lịch đến các nước ASEAN. Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019, khu vực ASEAN đã thu hút khoảng 143,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới) với tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Thị trường nguồn du lịch khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc Á.

Du lịch lễ hội đem đến cơ hội để khách du lịch khám phá văn hóa bản địa, ẩm thực truyền thống và đặc biệt là trải nghiệm hoạt động vui chơi giải trí đặc sắc. Ngày nay, nhiều lễ hội ở khu vực Đông Nam Á đã trở nên nổi tiếng, thu hút đông khách du lịch khắp nơi trên thế giới như lễ hội năm mới ở Campuchia (Chnam Thmei), lễ hội té nước, lễ hội thả đèn lồng ở Thái Lan, lễ hội đua thuyền ở Lào, lễ hội nghệ thuật Bali ở Indonesia, lễ hội rằm Trung thu ở Việt Nam...

Các đại biểu đều cho rằng cần xúc tiến để ASEAN trở thành một điểm đến lễ hội, có khả năng kết nối khu vực và đa dạng hóa tour du lịch, tạo nên sức hấp dẫn đặc trưng. Các cơ quan quản lý du lịch địa phương chia sẻ việc nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lễ hội, tạo ra tính đặc trưng, nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết, địa phương đã nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lễ hội, tạo ra đặc trưng và nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến. Trong đó, tập trung xây dựng bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế: “Huế - Kinh đô lễ hội”, “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực” của Việt Nam, "Huế- Festival bốn mùa"... qua đó lan tỏa hình ảnh của sự kiện và điểm đến đến gần hơn với người dân và du khách.

Các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế cũng đã chia sẻ những vấn đề đặt ra để phát triển du lịch lễ hội khu vực ASEAN, từ đó đề xuất một số giải pháp để phát triển hiệu quả du lịch lễ hội cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. như: tiếp tục có chính sách tạo thuận lợi hơn nữa về visa, cải cách thủ tục hải quan… nhằm thu hút khách quốc tế đến khu vực; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội thông qua công nghệ số; liên kết tổ chức khảo sát tuyến, điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội cho cả khu vực; có chính sách tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào khu, điểm du lịch gắn với không gian, tính chất, không gian chung của lễ hội…

Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch lễ hội tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới như: Tiếp tục ban hành chính sách tạo thuận lợi hơn nữa về visa, cải cách thủ tục hải quan… nhằm thu hút khách quốc tế đến khu vực; Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý về vai trò của du lịch lễ hội trong phát triển du lịch; Bồi dưỡng, đào tạo hỗ trợ cộng đồng dân cư phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lễ hội; Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội thông qua công nghệ số, triển khai chiến dịch marketing số để quảng bá du lịch ASEAN, đầu tư xây dựng các nội dung quảng bá du lịch lễ hội lên website du lịch ASEAN...