Hai diễn giả chính của cuộc tọa đàm là Thạc sĩ sinh thái Anh Tuấn, là người sáng lập chuỗi chương trình trải nghiệm thiên nhiên cùng các dự án phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục trải nghiệm thực tế về sinh học, thiên nhiên và môi trường; và diễn giả thứ 2 là Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, tác giả viết lời bộ sách “Hít hà mùi đất nước”

Tọa đàm “Sách và giáo dục môi trường” do Nhã Nam tổ chức hướng tới 2 mục tiêu chính là nâng cao tầm quan trọng của giáo dục môi trường qua chia sẻ từ các nhà hoạt động môi trường giàu kinh nghiệm, đồng thời giới thiệu tới bạn đọc một cách hệ thống về dòng sách Thiên nhiên – Môi trường của Nhã Nam với mong muốn nhen lên tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với các bạn nhỏ.

Thông qua cuộc tọa đàm, Thạc sĩ sinh thái Anh Tuấn mong muốn trẻ em sẽ có thêm nhiều cuốn sách môi trường có nội dung đơn giản, gần gũi với cuộc sống thường ngày thay vì những cuốn sách quá hàn lâm, học thuật. Theo anh, sách chính là thứ kết nối học sinh với thiên nhiên, gợi lên cảm hứng muốn tìm tòi, học hỏi. "Tôi rất muốn các dòng sách này phát triển cả chất và lượng. Chất ở đây là cái liên quan tới nhu cầu của học sinh. Lượng ở đây là sự đa dạng trong cách tiếp cận tới học sinh để các bạn có cơ hội mở mang nhận thức và thế giới quan của mình, khám phá từng thứ nhỏ trong tự nhiên” – Thạc sĩ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Còn bức thông điệp mà Nguyễn Hữu Quỳnh Hương - tác giả viết lời bộ sách "Hít hà mùi đất nước" muốn nhắn nhủ là để giáo dục về môi trường không trở nên quá đỗi lớn lao và xa vời với trẻ em, cần lắng nghe và tâm sự để hiểu hơn những suy nghĩ, góc nhìn của trẻ. Từ đó, có thể gắn kết trẻ với thiên nhiên và môi trường. "Khi làm sách về các vấn đề thiên nhiên và môi trường, tôi muốn cho các bé cảm thấy việc các bé yêu thiên nhiên hơn, yêu môi trường hơn, nhẹ nhàng như việc làm hàng ngày, nhẹ nhàng như hơi thở của các bé. Và tùy thuộc vào mỗi độ tuổi, tác giả có thể lựa chọn mỗi nét vẽ và ngôn ngữ phù hợp. Tôi nghĩ khi xuất bản thì sách sẽ tiếp cận đến thị trường tốt hơn” – Nguyễn Hữu Quỳnh Hương chia sẻ tại cuộc tọa đàm.

Các diễn giả cũng như công chúng đều mong muốn sẽ có ngày càng nhiều đầu sách về môi trường và thiên nhiên được xuất bản bởi sách thiếu nhi nói riêng và sách nói chung là công cụ mạnh mẽ nhất để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Là một người viết sách, tác giả Quỳnh Hương cho rằng, để tiếp cận được đến đại chúng, sách về giáo dục môi trường cần truyền tải song song các kỹ năng và thái độ sống khác đến các bạn trẻ. Cũng theo chị Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, khi truyền thông về môi trường, những con số thực tế đáng báo động sẽ khiến con người sợ hãi và hành động khác đi. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, muốn hành động thay đổi thì thế giới quan phải thay đổi. Sách có khả năng làm điều đó bằng việc lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến độc giả.

Cũng chính vì điều đó mà dòng sách về thiên nhiên – môi trường trong vài năm trở lại đây đã trở thành đề tài được quan tâm và trở thành xu hướng của xuất bản thế giới. Trong dòng chảy đó, từ năm 2016 đến nay, Nhã Nam đã xuất bản nhiều đầu sách thuộc đề tài này như: "Trở về nơi hoang dã", "100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất", bộ sách "Chăm sóc hành tinh của chúng mình", "No More Plastic", bộ sách "Hít hà mùi đất nước", bộ sách "Go Green!"… Nhã Nam luôn chú trọng vào những cuốn sách giàu cảm hứng, đủ đầy kiến thức khoa học giúp nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và hướng dẫn độc giả bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực nhất. Bởi lẽ, giáo dục về môi trường là một phần của giáo dục toàn diện cho những công dân văn minh. Hy vọng những cuốn sách tâm huyết về đề tài này sẽ truyền cảm hứng cho bạn đọc, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi để tình yêu thiên nhiên và ý thức môi trường được nuôi dưỡng, phát triển một cách tự nhiên, bền vững bắt đầu từ những trang sách được mở ra.