Thờ cúng tổ tiên là loại hình tín ngưỡng khá phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Do đặc điểm có nhiều dân tộc anh em nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nước ta có nhiều nét riêng biệt với những phong tục, tập quán khác nhau, song đều nhằm tỏ lòng biết ơn và tôn vinh tổ tiên, đấng sinh thành. Từ ngàn xưa, người Việt đã xem thờ cúng tổ tiên là một “Đạo” và điều này cũng đã được thể chế hóa trong Luật tín ngưỡng Tôn giáo ban hành năm 2016.

Thờ cúng tổ tiên không chỉ là một biểu tượng của sự kết nối tình đoàn kết anh em trong dòng tộc, thể hiện sự biết ơn đối với tiên tổ, cội nguồn mà còn là hành vi giáo dục các thế hệ con cháu về đạo lý uống nước nhờ nguồn. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”, “tốt lễ dễ cầu”, “có thờ có thiêng có kiêng có lành”... đã tạo ra những khác biệt mang tính “tự phát” trong việc thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình, dòng họ, làng quê... làm xuất hiện những yếu tố tiêu cực bên cạnh mặt tích cực. Hội thảo “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt: Truyền thống và đương đại” do Viện Nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong thủy và Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa tổ chức đã xới xáo thêm những vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Nói tới việc thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam là nói tới một lĩnh vực tín ngưỡng khá rộng cả về không gian và nội dung. Việc thờ tổ tiên có nhiều quan niệm và những cấp độ khác nhau như: Tổ tiên của đất nước, tổ tiên của dân tộc, tổ tiên của dòng họ, tổ tiên của gia đình. Bên cạnh những vị tổ anh hùng, có công dựng nước và giữ nước còn có các tổ khai sáng những giá trị văn hóa, kinh tế, mở mang bờ cõi, các vị tổ ngành, tổ nghề...

Theo ông Hoàng Thăng Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong thủy, thờ cúng tổ tiên là loại hình tín ngưỡng đã góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc dân tộc của người Việt Nam từ ngàn xưa tới nay: "Từ ngàn xưa người Việt đã xem thờ cúng tổ tiên là một đạo thờ đấng sinh thành, nguồn gốc của dòng họ của gia đình Việt. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét riêng độc đáo trong phong tục thờ cúng tổ tiên. Những đặc điểm đó tạo nên tập quán thờ cúng với nhiều nét khác biệt gắn với con người, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của từng vùng đất...".

Trong dòng chảy văn hóa tâm linh, văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt gần như đã trở thành thứ tôn giáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Đó là những lễ nghi, phép tắc tuy không thành văn nhưng cứ đời nối đời, thế hệ nọ nối tiếp thê hệ kia, trở thành tập tục văn hóa rất đỗi thiêng liêng của mỗi gia đình người Việt.

"Trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, công nghiệp hóa và đô thị hóa đang ngày một tác động rất lớn đến sự phát triển của thế giới đương đại nhưng con người không thể vì thế mà xem nhẹ văn hóa tâm linh, văn hóa đức tin, đặc biệt là luôn nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Bởi vậy mà cả khi cuộc sống còn khó khăn hay khá giả sung túc, ngày giỗ, ngày cúng tổ tiên vẫn luôn được chú trọng" - PGS. TS Nguyễn Quốc Bảo, Viện Báo chí, Học Viện Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Quốc Bảo, bên cạnh những mặt tích cực, đã và đang nảy sinh những vấn đề rất đáng quan tâm. Tâm lý đua nhau tổ chức thờ cúng rườm ra, làm to hơn người khác đã đem lại những ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị vốn có của văn hóa thờ cũng tổ tiên: "Bỏ hàng tỷ đồng để đóng bàn thờ, hàng trăm triệu đồng để mua sắm đồ thờ, lư hương, nhang đèn, những mâm cỗ thịnh soạn, chất chồng các loại vàng mã theo triết lý "trần sao âm vậy" không chỉ là sự lãng phí, tốn kém tiền của mà còn liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy. Dựng rạp lấn ra cả mặt đường, mặt phố gây cản trở giao thông, ăn uống chúc tụng rượu vào lời ra, say xỉn chạy xe quá tốc độ, vi phạm luật an toàn giao thông..." - PGS. TS Nguyễn Quốc Bảo cho biết.

TS Lê Thị Chiêng, Trường Đại học Văn hóa cho rằng, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy”. Hiện tượng đua nhau sửa chữa, nâng cấp, trùng tu, xây mới nhà thờ ngày càng phổ biến và trở thành phong trào với tốc độ chóng mặt. Có không ít trường hợp những họ trước đây chưa từng có nhà thờ thì nay cũng mua đất xây dựng bất chấp những nợ nần, khó khăn.

"Mình bày biện nhiều như thế, khang trang như thế, hoành tráng như thế thì liệu ông bà tổ tiên có hoan hỉ, vui vẻ không? Nếu như mình làm những điều mà ông bà cha mẹ mình thực không muốn mình làm thì liệu có vui không? Ở nông thôn nó giống như một cuộc chạy đua, nhà này làm trước to, nhà sau sẽ làm to hơn, hoành tráng hơn đấy là sự biến chuyển đi rất là nhiều rồi..." - TS Lê Thị Chiêng bày tỏ.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển cho rằng, phải coi việc thờ phụng tổ tiên là một giá trị văn hóa lịch sử. Nếu toàn bộ kính lễ không chuẩn mực, thành tâm, đi lệch với truyền thống thì sẽ không đem lại những giá trị đích thực: "Trong thời đại ngày nay, có những gia đình bầy đủ các thứ lên bàn thờ, đồ của Nhật, châu Âu... Nó làm cho những cái chuẩn trong thờ phụng của chúng ta không được ổn lắm. Vì thế, cần có một nghiên cứu thấu đáo, đến nơi đến chốn về vấn đề này. Thờ cúng tổ tiên là nguồn lực tiềm ẩn sức mạnh của dân tộc Việt nên cần phải được tôn trọng, làm cho nó phong phú hơn để tạo ra những giá trị chuẩn mực...".

Thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa đẹp, song, nếu chúng ta chỉ biết cầu cúng, tri ân tiền nhân rồi cầu xin tài nọ, danh kia mà quên đi giáo dục cho con cháu và tu dưỡng bản thân thì việc thờ cúng tổ tiên sẽ không còn ý nghĩa và sẽ làm nhạt đi bản sắc văn hóa truyền thống.

Xin mời nghe bài viết tại đây :