Theo TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thư pháp luôn được biết đến như một thú chơi tao nhã của giới có học thức, giỏi ngôn ngữ và đam mê văn chương, một loại hình nghệ thuật đậm chất truyền thống. Trong khi đó, hình ảnh của những bức tường phủ đầy graffiti thường gợi lên trong tâm trí mọi người hình ảnh những bạn trẻ thích nổi loạn, thích “vẽ bậy”, khao khát được thể hiện và khẳng định mình. Chỉ riêng những điểm đó thôi cũng khiến không ít người cho rằng giữa Thư pháp và Graffiti luôn tồn tại một khoảng cách tưởng chừng không thể nào lấp đầy.

Chính vì vậy, nhằm đem đến cái nhìn tổng quát và khách quan nhất cũng như xóa tan khoảng cách giữa hai loại hình nghệ thuật Thư pháp và Graffiti, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức buổi tọa đàm này. "Thư pháp là loại hình nghệ thuật truyền thống, còn Graffiti là nghệ thuật đương đại nên chúng tôi muốn thông qua tọa đàm, những người trong cuộc chia sẻ để tìm ra điểm chung, giá trị chung giữa Thư pháp và Graffiti để cùng tôn vinh hai loại hình nghệ thuật này để có những đóng góp mới cho cộng đồng", TS Lê Xuân Kiêu cho biết.

Theo Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng, bất kỳ môn nghệ thuật nào cũng không thể đứng yên, nếu chỉ đứng yên một chỗ thì nó không còn giá trị đối với xã hội hiện đại mà chỉ còn là môn nghệ thuật của quá khứ. Và rất may là nghệ thuật Thư pháp vẫn tiếp tục dòng chảy cho đến hiện tại mặc dù đã có thời gian bị ngắt quãng. Bên cạnh đó, bối cảnh lịch sử ở những thời điểm khác nhau sẽ mang đến cho người nghệ sĩ cảm hứng sáng tác khác nhau. "Vì thế, sự kết hợp giữa Thư pháp và Graffiti chắc chắn sẽ đem lại cái nhìn mới mẻ, hấp dẫn hơn bởi cả hai loại hình nghệ thuật này đều có nét viết vừa mềm mại, vừa cứng cáp tùy vào nội dung và hình thức thể hiện".

Graffiti là một từ bắt nguồn từ chữ “graphein” trong tiếng Hy Lạp – có nghĩa là viết. Sau này, trở thành từ “graffito” trong tiếng La tinh, có nghĩa là “hình vẽ trên tường”, tên gọi chung cho những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu cách trên các bức tường ở các đường phố, khu phố và được vẽ bằng sơn, sơn xịt hoặc đánh dấu bằng thứ vật liệu bất kỳ lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng.

Nếu gạt góc nhìn định kiến sang một bên, thì Thư pháp và Graffiti là hai loại hình nghệ thuật có nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn như hình hoạ, cách thể hiện đòi hỏi trí tưởng tượng rất cao và đều mang trong mình sứ mệnh truyền tải những thông điệp nhất định. Vì thế, theo Đỗ Thế Thành - CEO và founder của Công ty TNHH Mỹ thuật ứng dụng Xưởng Kiến; Admin của fanpage - group: Graffiti Việt Nam, hơn 10 năm gắn bó, anh luôn nỗ lực mang Graffiti đến gần công chúng hơn dưới một một góc nhìn mới, trẻ và đầy sáng tạo.

"Mình rất háo hức đưa Graffiti kết hợp với nghệ thuật Thư pháp vì Graffiti là nghệ thuật trình diễn, thường xuất hiện trên đường phố, chủ yếu truyền đạt thông điệp nhanh, gọn, chứ không mang ý nghĩa sâu xa, triết học như Thư pháp, nhưng hai bộ môn nghệ thuật này có điểm tương đồng là người sáng tạo đều thông qua vẻ đẹp của con chữ để thể hiện quan điểm, ý chí. Mặt khác, Graffiti thường bị coi là "vẽ bậy" nên mình mong muốn thông qua sự kết hợp sẽ mang lại cho người xem cảm giác mới lạ và có cái nhìn theo chiều hướng tích cực, gần gũi đối với cả hai bộ môn", Đỗ Thế Thành chia sẻ.

Cuộc Tọa đàm là sự kiện khởi đầu cho một dự án sáng tác và trưng bày về Thư pháp kết hợp với Graffiti sẽ được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức vào tháng 8 năm nay. Đây là một trong rất nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong năm 2022 nhằm từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và công nghiệp văn hóa.