Doãn Nỗ xuất thân từ một vọng tộc khá lâu đời ở Kẻ Nưa nay là làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo tộc phả họ Doãn ghi lại thì dòng họ Doãn có từ thời nhà Lý gắn liền với hai vị khởi tổ Doãn Anh Khải làm quan đến Lệnh thư gia và Doãn Từ Tư làm Trung vệ đại phu.

Hậu duệ họ Doãn sang đời Trần, nổi bật nhất là Doãn Băng Hải đậu Tiến sĩ, sau làm tới Thượng thư bộ Hình, phong Thiếu bảo, rồi Thiếu phó, tước Hương hầu đời vua Trần Hiển Tông. Cháu bốn đời Doãn Băng Hải là Doãn Quyết đỗ Thái học sinh, làm quan đến Cung hiển đại phu thời hậu Trần, sinh hai con trai và người con thứ hai chính là Doãn Nỗ. Sinh ra ở thời kỳ loạn lạc, bị quân Minh xâm lược nên lòng yêu nước của Doãn Nỗ đã được hun đúc ngay từ sớm.

Tham gia nghĩa quân Lam Sơn ngày từ những ngày đầu tụ nghĩa, Doãn Nỗ trở thành 50 tướng soái đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Năm 1425, Lê Lợi cử ông cùng Trần Nguyên Hãn đem quân nam tiến vào đánh Tân Bình, Thuận Hóa.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “…Ất Tỵ (1425),… Mùa thu, tháng 7 âm lịch, vua dự đoán thành giặc ở các xứ Thuận Hóa, Tân Bình đã từ lâu không thông tin tức với Nghệ An và Đông Đô, bèn sai Tư đồ Trần Hãn và Thượng tướng Lê Nỗ (tức Doãn Nỗ) báo cho bọn Lê Đa Bồ đem hơn 1000 quân và một thớt voi ra đánh các thành Tân Bình, Thuận Hoá và chiêu dụ dân”. Trận đánh này là tiền đề quan trọng để tiến vào giải phóng vùng đất Tân Bình, Thuận Hóa.

Ông Doãn Thế Khoa, hậu duệ của tướng quân Doãn Nỗ kể lại, sau một thời kỳ đầu đầy gian khổ của cuộc khởi nghĩa mà có những thời điểm hết lương ăn, ăn thịt ngựa... nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển hướng đánh vào phía Nghệ An.

Sau khi giành được thắng lợi ở Nghệ An, Doãn Nỗ cùng Trần Nguyên Hãn mang quân đánh Tân Bình, Thuận Hoá thắng lợi, mở rộng đất đai về phía Nam, làm hậu thuẫn tiến quân ra Bắc. Năm 1426, tiến quân ra Đông Đô, ông có mặt ở cánh quân phía Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Doãn Nỗ đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn và đều giành được thắng lợi. "Lê triều thông sử hay Đại việt sử ký toàn thư đều có ghi lại những trận đánh mang tính chất chiến lược đó, gắn với tên tuổi của Doãn Nỗ. Những chiến lược, chiến thuật đánh quân Minh cho thấy ông đứng ở mũi nhọn cuộc kháng chiến chống quân Minh, cho thấy phẩm chất của nhà quân sự, của người cầm quân".

Sau khi kháng chiến chống Minh thắng lợi, ông được ban quốc tính nên còn gọi là Lê Nỗ. Theo bản sao Lam Sơn thực lục của Lê Sát, trong đợt xét công ban thưởng năm Thuận Thiên thứ nhất, 20 tháng 2 năm 1428, Doãn Nỗ được Lê Lợi phong làm Trung lượng đại phu, Tả bổng thánh vệ tướng quân, tước Đại Trí tự. Năm 1432 Doãn Nỗ theo Lê Lợi đi Tây Bắc đánh quân phản nghịch ở Mường Lễ, Hòa Bình. Trong thời gian đóng quân tại đây, ông chăm lo cho đời sống của bà con và trở thành một vị tướng biên phòng được dân chúng kính phục, tin cậy.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Doãn Nỗ không chỉ có công đầu trong việc đánh đuổi giặc Minh, ông còn là vị tướng có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nhà hậu Lê sau này. Những sách sử của Lê Quý Đôn rồi Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi nhận những hoạt động của ông như đánh vùng Tây Bắc, dẹp các lực lượng để xây dựng một triều chính, xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền phù hợp với thời đại nho giáo hóa. Đóng góp của ông ngay cả thời hậu chiến vẫn là gắn với quốc gia dân tộc và góp phần củng cố, xây dựng đất nước.

Với những công tích của mình, sau này ông được phong tước Đường Quốc Công rồi được phong Trụ quốc công thượng tướng quân quân quản đạo Sơn Nam. Ông được ban ấp lộc điền ở Phương Chiểu huyện Tiên Lữ, trấn Sơn Nam Thượng, từ đó hình thành nên dòng họ Doãn ở Hưng Yên. Hiện nay, tại xã Phương Chiểu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên vẫn còn lăng mộ và đền thờ ông.

Hiện nay, tại lang và đền thờ Doãn Nỗ ở xã Phương Chiểu vẫn còn 3 câu đối, trong đó có câu “Lam Sơn vận dực Lê hoàng thống/ Khai quốc công thần Doãn tướng môn” ca ngợi công đức của ông. Điều đó đủ thấy công tích của ông luôn được hậu thế ghi nhớ, tri ân và ngưỡng vọng.

Xin mời nghe âm thanh tại đây: