Chương trình do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh mang tới du khách Thủ đô, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên những trải nghiệm thú vị về di sản văn hóa vùng Kinh Bắc.
Hàng trăm học sinh, sinh viên từ các trường và các nhóm gia đình đã đăng ký tham gia chương trình trải nghiệm với các hoạt động trình diễn: dựng cây nêu, gói bánh chưng, in tranh Đông Hồ, hát quan họ, trình diễn chạy ró, kéo dây lấy lửa, viết thư pháp, chơi các trò chơi dân gian gắn với Tết… Chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân dân gian đến từ Bắc Ninh. Đây là hoạt động nhằm hướng tới chương trình “Vui Xuân Quý Mão: Sắc thái văn hóa Bắc Ninh” sẽ được tổ chức vào hai ngày mồng 7 và 8 Tết năm nay (28 và 29/1/2023).
TS. Bùi Ngọc Quang- Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng chia sẻ: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn chú trọng khai thác giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền và đã trở thành một điểm du xuân hấp dẫn của công chúng. Năm nay các hoạt động được tổ chức đa dạng hình thức và nội dung không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, mà còn giúp du khách nâng cao hiểu biết về giá trị văn hóa. Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Tham gia trải nghiệm, công chúng có cơ hội tìm hiểu tục kéo dây lấy lửa trong lễ hội của làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong được tái hiện qua hoạt động trình diễn kéo lửa với những con thằn lằn rơm của người dân địa phương. Đây là một tục lệ độc đáo, thường tổ chức vào mồng 3 Tết và gắn với tín ngưỡng cầu mùa của cư dân nông nghiệp vùng đất Bắc Ninh xưa.
Nếu như người dân ở làng Guột, huyện Quế Võ trình diễn trò chơi chạy ró giới thiệu các thành phần trong xã hội xưa dưới góc nhìn hài hước, tạo không khí vui tươi, sảng khoái trong ngày đầu năm mới thì những người yêu thích dòng tranh dân gian gắn với dịp Tết có cơ hội trải nghiệm in tranh Đông Hồ và tìm hiểu về ý nghĩa của các bức tranh. Các em nhỏ được thưởng thức những tích trò rối vui nhộn qua hoạt động biểu diễn múa rối nước của các nghệ nhân phường rối Đồng Ngư ở huyện Thuận Thành. Những du khách mê hội họa và sáng tạo có dịp sáng tác, trang trí con mèo và bộ phỗng bằng đất sét cùng nghệ nhân dân gian.
Nét đặc sắc trong chương trình lần này chính là hoạt động trưng bày chuyên đề Tinh hoa văn hoá Quan họ Bắc Ninh và trình diễn Quan họ (hát canh, hát hội) của các liền anh, liền chị đến từ Bắc Ninh. Du khách có cơ hội tìm hiểu rõ hơn những giá trị của dân ca quan họ qua trưng bày. Từ giai điệu, ca từ, trang phục đến lề lối, lễ nghĩa của người Quan họ đều được giới thiệu tại không gian này. Công chúng thích khám phá sẽ được trải nghiệm mặc thử trang phục quan họ, têm trầu cánh phượng và nghệ các nghệ nhân, anh hai, chị hai chia sẻ những câu chuyện trong “lối chơi quan họ”.
Bên cạnh các hoạt động mang đậm sắc thái văn hóa Bắc Ninh, hồn Tết Việt cũng là một phần không thể thiếu của chương trình. Du khách có dịp tìm hiểu thêm về nét đẹp của ngày Tết cổ truyền thông qua nghệ thuật viết thư pháp, làm hoa giấy, nặn tò he, nặn mâm ngủ quả... Các em nhỏ được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc như: bắt chạch trong chum, gánh lúa qua cầu, kéo co, đi cà kheo, mèo đuổi chuột (Việt); ném còn, nhảy sạp (Thái); ném pao, đẩy gậy (Hmông)... cũng như được sáng tạo trong Phòng Khám phá qua việc tô vẽ tranh 12 con giáp và di sản văn hoá Bắc Ninh.
Bà Nguyễn Thị Trọng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, bảo tàng mang những nét văn hoá đặc trưng nhất của tỉnh để giới thiệu đến người dân ở thủ đô Hà Nội. "Chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các nghệ nhân dân gian với công chúng cũng như các nghệ nhân ở vùng miền khác. Hy vọng chương trình sẽ là cầu nối giới thiệu di sản văn hóa Bắc Ninh đến đông đảo du khách trong và ngoài nước để bản sắc văn hóa của địa phương có sức lan tỏa và góp phần giáo dục thế hệ trẻ".