Do hậu quả của chiến tranh, nước ta có xuất phát điểm thấp. Chính vì thế, từ năm 1986 đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện song song hai nhiệm vụ là phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn, đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là công cuộc giảm nghèo.
Số liệu nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ, kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỉ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58% thì đến năm 2021, con số này là 2,23%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 185 USD thì đến cuối năm 2023, con số này là 4.284 USD. Nguồn lực Nhà nước dành cho xóa đói giảm nghèo tăng từ 200 tỷ đồng năm 1993 lên 12.000 tỷ đồng năm 2020. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều
Thành phố Hà Nội là “điểm sáng” về nỗ lực giảm nghèo của nước ta. Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hà Nội cho biết hiện không còn hộ nghèo nếu tính theo chuẩn nghèo của cả nước. Còn theo chuẩn nghèo nâng cao, toàn thành phố hiện cũng chỉ còn 690 hộ, với 1.946 nhân khẩu, chiếm 0,03% số hộ dân. “Hà Nội có hẳn nghị quyết về công tác giảm nghèo. Cả hệ thống chính trị của thành phố đều đồng lòng thực hiện. HĐND ban hành chính sách đặc thù, UBND ưu tiên nguồn lực ngân sách thực hiện công tác giảm nghèo, các cấp các ngành và MTTQ đều tham gia với mục tiêu huy động càng nhiều nguồn lực càng tốt để hỗ trợ cho người nghèo… Có thể nói, công tác tác giảm nghèo được thực hiện rất đồng bộ, từ chủ trương, chính sách cho đến cơ chế đặc thù và cơ chế thực hiện….”, bà Hương chia sẻ.
Bà Hương cho biết tỷ lệ hộ tái nghèo của Hà Nội cũng rất ít nhờ cách thức hỗ trợ. “Chúng tôi xác định trao cần câu hơn con cá. Hà Nội triển khai những mô hình như hỗ trợ như sửa chữa nhà, hỗ trợ phương tiện sản xuất hoặc kinh doanh,…để người nghèo phát triển kinh tế, vươn lên”, bà Hương thổ lộ.
Đánh giá kết quả công tác giảm nghèo của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng chúng ta có thể tự hào về những gì đã đạt được. “Chúng ta từ một đất nước không đủ ăn mà đến giờ vẫn bằng ấy đất nhưng chúng ta ứng dụng khoa học, tăng năng suất,… chúng ta không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu”, ông Chiến tự hào.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, trong những năm tới, công tác giảm nghèo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. “Thực hiện công tác giảm nghèo tới đây sẽ khó hơn trước, vì số hộ còn nằm trong danh sách nghèo là rất nghèo”, ông Chiến đánh giá.
Qua thực tiễn làm công tác mặt trận tại cơ sở, chị Thị Hà, dân tộc S'Tiêng, Bí thư Chi đoàn thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, cũng cho rằng những trường hợp chưa thoát được nghèo đều thiếu thốn nhiều mặt, từ điều kiện, tư liệu sản xuất cho đến sức lao động. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là sự yếu kém về trình độ, nhận thức của một bộ phận người nghèo. “Hộ hộ nghèo còn lại chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa và biên giới. Đây là những nơi kinh tế, xã hội còn khó khăn. Những trường hợp chưa thoát nghèo, họ vẫn còn tư duy lạc hậu, bảo thủ, chưa dám thể hiện bản thân, đặc biệt là phát triển về kinh tế”, chị Hà nêu thực tế.
Là người sâu sát với đời sống của người dân tại cơ sở, ông Huỳnh Đình Nghĩa, Hội trưởng Hội thánh Mennonite Việt Nam, cũng cho rằng việc đưa những trường hợp còn lại ra khỏi danh sách hộ nghèo là thách thức rất lớn. Ngoài những cá nhân không thể thoát nghèo vì những lý do khách quan như thiếu vốn, tư liệu sản xuất, khả năng lao động, còn có những người không muốn thoát nghèo.
Theo ông Nghĩa, để đạt được những mục tiêu về giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo, công tác này phải huy động được sự tham gia của toàn xã hội. “Công cuộc xóa đói giảm nghèo cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Như tôi đi thực tế, có nơi nơi người ta nghèo là do cờ bạc. Để họ thoát nghèo thì phải giải quyết vấn đề tệ nạn, an ninh, việc làm… Như vậy, từ MTTQ cho đến công an, lao động thương binh, xã hội phải vào cuộc, mới có thể thay đổi được tư duy, nhận thức và cuộc sống của họ”, ông Nghĩa phân tích.
Thời gian qua, chúng ta xây dựng, triển khai hàng loạt chương trình, chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Trong đó, trọng tâm là ba chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những chương trình không chỉ được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà còn có sự chung tay của toàn xã hội. Phát huy điểm mạnh của những chương trình này, chúng ta sẽ hóa giải được khó khăn, thách thức để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.
Nghe bài viết dưới đây: