Theo Bia ký ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trạng nguyên Đặng Công Chất sinh năm 1621 tại làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), ông mất năm 1683. Sinh ra tại làng Gióng nên sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được gọi là Trạng Gióng.

Ngay từ nhỏ, Đặng Công Chất đã tỏ ra hiếu học, quanh năm đọc sách Thánh hiền. Chính nhờ sự chuyên cần và không ngừng rèn luyện này, ông đã đỗ Trạng nguyên.

Từ khi đỗ đạt đến lúc qua đời, Trạng nguyên Đặng Công Chất đã kinh qua nhiều chức vụ trong bộ máy chính quyền thời Lê: Binh bộ Thượng Thư, Lại bộ Thượng thư, Sử quan đô Tổng tài… trong đó có chức Tham tụng, tức là người đứng đầu, quyền cao nhất trong hàng ngũ quan lại thời bấy giờ. Ông là vị quan vô cùng thanh liêm, chính trực, hết lòng vì dân, vì nước, bao nhiêu bổng lộc đều cung tiến cho đình, chùa, chia cho dân làng làm ăn…

Trạng nguyên Đặng Công Chất còn là người tham gia biên soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư phần bản Tục biên, hoàn thành năm 1665. Ngoài ra, ông cùng với Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương sửa Bộ Lam Sơn thực lục…

Mặc dù là quan Văn nhưng phần lớn thời gian làm quan, Đặng Công Chất lại được triều đình tin tưởng, giao cho đi dẹp loạn ở các nơi. Nhiều trận không cần dùng vũ lực mà vẫn thu phục được loạn quân, bởi ông luôn dùng nhân tâm để xử lý mọi việc.

Không chỉ văn-võ song toàn, Đặng Công Chất còn là một nhà ngoại giao tài ba, mưu lược, thể hiện qua những lần đi sứ của ông.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm kể lại: Có lần đi sứ rất quan trọng để xin phong Vương, phong quan… nhưng thiếu rất nhiều đồ vật quý như trầm hương, xuyên khung… Đặng Công Chất, khi ấy là Phó sư cho rằng, nên tìm cách loại bỏ việc cống nạp những sản vật này. Do đó, ông đã nói với Chánh sứ "Ta cố tình làm thiếu đi, nếu có trách thì chỉ trách ta thôi chứ không trách Vua ta được". Đấy là cách ông cự tuyệt cống nạp trong ngoại giao và phương thức ấy rất hiệu quả.

Cuộc đời, sự nghiệp của Trạng nguyên Đặng Công Chất chính là tấm gương sáng về trí tuệ, tâm đức để nhắc nhở con cháu tiếp nối đạo lý, truyền thống của Tổ tiên.