Phát biểu khai mạc triển lãm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Kể từ dấu mốc ngày 1/8/2008 khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan đến nay đã 15 năm. Có thể nói đây là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong hành trình xây dựng, phát triển Thủ đô. Quyết định lịch sử này đã tạo dựng cả thế và lực mới cho Hà Nội tiến bước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 80 bức ảnh sinh động, ghi lại những góc nhìn chân thực của các nhiếp ảnh gia, các nhà báo về các dấu mốc đáng nhớ của Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính. Những thành tựu nổi bật của Thủ đô đạt được sau 15 năm trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, quản lý đô thị, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác, hội nhập, phát triển; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị các cấp... được các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên thể hiện chân thực nhất, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Hà Nội với các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế.

Triển lãm chia làm 3 phần:

Phần 1: Hà Nội vươn mình bứt phá: giới thiệu đến công chúng những hình ảnh về sự phát triển vượt bậc của Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính; quá trình đô thị hóa; các dự án khu đô thị; các dự án giao thông trọng điểm; các trung tâm thương mại, khu công nghiệp; Hà Nội cũng trở thành nơi tổ chức các sự kiện quốc tế lớn như: Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, SEA Games 31… Những đổi thay này góp phần xây dựng diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh hơn.

Phần 2: Đổi thay nông thôn mới Hà Nội: Giới thiệu sự đổi thay của nông thôn Hà Nội về điện, đường, trường trạm, nhà ở; góc nhìn mới lạ về các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đời sống nông thôn; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn; kiến trúc nhà cổ, nhà đá ong ở nông thôn… Đặc biệt là những đổi thay ở khu vực đồng bào dân tộc, miền núi, khu vực tỉnh Hòa Bình sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội.

Phần 3: Bản sắc văn hóa Thủ đô đã ghi lại nét độc đáo của văn hóa Thăng Long – Hà Nội hòa quyện với văn hóa xứ Đoài, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa phong phú đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Điển hình như tác phẩm: “Độc đáo nghi lễ rước vua ngày hội” tác giả Lê Phú; “Không gian ẩm thực trên con phố quen” tác giả Duy Khánh; “Nghi lễ rước bánh ngàn năm” tác giả Nguyễn Trọng Nghị...

Bên cạnh đó còn có những hình ảnh sinh động về Thành phố sáng tạo; bản sắc văn hóa Hà Nội phát triển và hội nhập, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, các không gian văn hóa sáng tạo; các không gian đi bộ như: phố đi bộ Hồ Gươm, Trịnh Công Sơn, phố đi bộ Trần Nhân Tông, Thành cổ Sơn Tây… hay các điểm du lịch, danh thắng nổi tiếng của Hà Nội ở cả nội và ngoại thành; văn hóa giao thông; bảo tồn các công trình kiến trúc cổ.

Đồng chí Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của triển lãm bởi qua đây, công chúng cảm nhận rõ sự phát triển vượt bậc trong từng lĩnh vực của Thủ đô trong suốt chặng đường 15 năm. "Các tác phẩm trưng bày tại đây không chỉ dừng lại tại một cuộc triển lãm mà được phổ biến rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước, để những giá trị văn hoá Hà Nội, nét đẹp hào hoa, thanh lịch người Hà Nội mãi mãi tỏa sáng".

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 11/10/2023 tại Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Sau đó, toàn bộ ảnh sẽ được trưng bày tại Ga Cát Linh từ ngày 12 - 15/10/2023 và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội từ ngày 16 - 30/10/2023.