Với gần 200 hiện vật, tư liệu ảnh và bài viết, trưng bày chuyên đề “Mỗi kỷ vật một câu chuyện” (Sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945-1969) giới thiệu đến công chúng những tặng phẩm tiêu biểu nhất của đồng bào trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những món quà Người đã tặng đồng bào và bạn bè quốc tế. Đây là khối hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt đang được lưu giữ tại 2 bảo tàng.

Nội dung Trưng bày chuyên đề gồm 3 phần: Tấm lòng đồng bào Việt Nam; Thắm tình bạn bè quốc tế; Hành trình kỷ vật.

TS Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, mỗi hiện vật được giới thiệu chính là một câu chuyện cảm động thú vị gắn với một con người, một tổ chức hay một quốc gia, dân tộc trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, chúng ta cảm nhận được phong cách giản dị, tình cảm chân thành, tình hữu nghị trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam, sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế đối với Người. "Những kỷ vật khiến chúng ta vô cùng xúc động nhớ về Bác. Từ đó càng thêm trân quý, thêm động lực để tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết dân tộc và tình hữu nghị giữa bạn bè quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam".

Tại triển lãm, khách tham quan có thể nhìn thấy những kỷ vật dù to hay nhỏ, của em bé hay cụ già, của những người dân ở các dân tộc khác nhau tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày. Chẳng hạn chiếc áo chàm truyền thống dân tộc Nùng ở Cao Bằng tặng Bác Hồ nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của Người năm 1955; Lá cờ đỏ sao vàng Hội Mẹ chiến sĩ ấp Bình Tốt, Hồng Dân, Bạc Liêu thêu tặng Bác Hồ năm 1958; bức trướng của đồng bào Mông ở Bắc Hà, Lào Cai tặng Bác năm 1962 có lời đề từ bằng tiếng Mông: “Nhờ có Bác Hồ, dân tộc H'Mông được ăn no, mặc ấm và có cái chữ để học”...

Hay câu chuyện về chiếc khăn len quàng cổ mà bà Marie Louise, phu nhân Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đan tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968. Y tá Marie Louise làm việc tại một bệnh viện lao ở Pháp do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Giám đốc. Năm 1936, bà theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch về Sài Gòn làm đám cưới. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vào chiến khu hoạt động cách mạng, còn ba mẹ con bà trở về Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, bác sĩ - Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch xung phong vào chiến trường miền Nam và hy sinh ngày 7/11/1968. Hai người con của bác sĩ đã thay mặt mẹ về nước để tang cha, mang theo chiếc khăn len mẹ đan tặng Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quàng chiếc khăn này trong Lễ truy điệu Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch và tiếp tục sử dụng khăn cho tới những ngày cuối đời.

Ban tổ chức mong muốn, thông qua trưng bày công chúng tham quan cảm nhận sâu sắc hơn phong cách giản dị, tình cảm chân thành, tình hữu nghị trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam, sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Trưng bày kéo dài từ nay đến hết tháng 12/2022.