Triển lãm “Một mối xa thư” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhân Mỹ học đường phối hợp tổ chức.
Tại sự kiện, bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ: "Đây là nội dung hoạt động nằm trong chuỗi 50 sự kiện lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2022. Trong quan niệm của người xưa, cụm từ “Xa thư” được dùng như một khái niệm để chỉ giang sơn đất nước thu về một mối, chế độ văn vật áp dụng thống nhất ở mọi miền đất nước. Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư” được chắt lọc từ đôi câu đối tại tòa Đình bia trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đó là: “Xa thư cộng đạo kim thiên hạ/ Khoa giáp liên đề cổ học cung” (Thiên hạ nay, xa thư về cùng một mối/ Nhà học xưa, khoa giáp xuất hiện liền nhau) và các tác phẩm văn học Việt Nam thể hiện nội dung ca ngợi cảnh đẹp đất nước, về các giá trị đạo học Việt Nam. Mong muốn cống hiến các tác phẩm tiêu biểu nhất về thư pháp đến với công chúng với chủ đề “Một mối xa thư”, Triển lãm đã quy tụ được 65 nhà hoạt động thư pháp trên khắp mọi miền đất nước và 1 đại biểu quốc tế với hơn 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ.
Phát biểu tại triển lãm, TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Triển lãm giới thiệu đến công chúng các giá trị tư tưởng, văn hóa, thẩm mỹ hàm chứa sâu sắc trong các tác phẩm thơ văn của các giai đoạn lịch sử Việt Nam dưới sự thể hiện của nghệ thuật thư pháp. Các tác phẩm được thể hiện ở các hình thức phong phú với các thể chữ: Chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ bằng bút lông và bút sắt đã làm sâu sắc tính kế thừa, sự nghiêm cẩn và phát huy của thư pháp truyền thống trong không gian văn hóa Việt Nam đương đại. 100 tác phẩm thư pháp được trưng bày với nội dung được chắt lọc từ các tác phẩm văn học Việt Nam và di sản văn chương, gắn liền với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam. Triển lãm sẽ giúp người xem cảm nhận được mạch nguồn văn hóa cha ông luôn được tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại, cũng là nơi tập hợp, gắn kết những người có chung niềm đam mê nghệ thuật thư pháp góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Theo TS. Lê Trung Kiên - Đốc giáo Nhân Mỹ học đường, đồng Trưởng ban tổ chức triển lãm, trong tiến trình lịch sử Việt Nam, không thể phủ nhận vai trò và ý nghĩa lịch sử, văn hóa của thư tịch Hán Nôm. Cùng nhìn lại chặng đường lịch sử của dân tộc thì Hán Nôm như một sợi dây kết nối truyền thống với hiện đại. Trong xã hội hiện nay, mọi lứa tuổi, tầng lớp đều có nhu cầu kết nối với quá khứ, với tinh thần “ôn cố nhi tri tân”, nhằm định vị bản thân, cũng như tăng cường sự hiểu biết về giá trị truyền thống, để điều chỉnh các hành vi ứng xử trong quan hệ gia đình, xã hội, phù hợp với nếp văn hóa chung của cộng đồng.
Tại triển lãm, nhà thư pháp Hoàng Anh Diệp có 2 tác phẩm viết bằng bút sắt được trưng bày, đó là tác phẩm thể hiện đoạn trích trong văn bia tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là “Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa Tiến sĩ đề danh kí” của tác giả Thân Nhân Trung và tác phẩm thư pháp thể hiện 8 bài thơ về mùa Xuân của 8 tác giả trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời nhà Lý đến thời đại Hồ Chí Minh. "Tôi là giáo viên dạy Văn nên có cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm văn học cổ bằng chữ Hán Nôm từ năm 1975. Vì vậy, khi dạy học tôi muốn truyền tải đến học sinh nét đẹp của chữ Hán cổ để học sinh biết thời ông cha mình đã sử dụng loại chữ đó như thế nào và tôi cũng tham gia học tại Nhân Mỹ học đường để nâng cao hiểu biết, khả năng viết chữ của mình để thỏa mãn đam mê của bản thân", thư pháp gia Hoàng Anh Diệp chia sẻ.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Triển lãm diễn ra từ ngày 20/11 đến hết ngày 27/11/2022 tại Khu Thái học - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.