Trong hơn 140 năm hình thành, phát triển thịnh rồi suy (1802-1945), dù có những thăng trầm nhưng triều Nguyễn đã để lại những di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt. Bên cạnh tên hiệu Việt Nam của đất nước còn hiện hữu đến ngày nay, di sản văn hóa triều Nguyễn còn có kiến trúc kinh thành Huế, nhã nhạc cung đình, châu bản và mộc bản. Không những thế, triều đại nhà Nguyễn còn có nhiều chính sách đặc sắc bảo vệ biên cương, biên giới, lãnh thổ quốc gia cả trên đất liền và trên các vùng biển đảo.

Tuy nhiên, những thành tựu của vương triều Nguyễn chủ yếu tập trung ở giai đoạn từ năm 1802 đến năm 1884 dưới các triều đại của vua Gia Long, Thiệu Trị, Minh Mạng và Tự Đức. Lý giải về điều này PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Giai đoạn 1802-1884 là thời kỳ mà vương triều Nguyễn còn giữ được tính độc lập, tự chủ của mình. Vua Gia Long khi lên ngôi đã nhất quán một phương châm là tập hợp nhân tâm và huy động được các lực lượng trong xã hội cùng tham gia kiến tạo phát triển đất nước. Và một lý do nữa là tâm thế của đất nước sau một thời gian dài loạn lạc, năm 1802 vua Gia Long đã chấm dứt được tình trạng này, tạo dựng ngọn cờ thu phục và hướng tới sự đồng thuận trong xã hội. Khi tâm thế con người ta hướng đến sự đồng thuận sẽ phát huy được sức mạnh để kiến tạo các thành tựu ở nhiều lĩnh vực

Theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học Việt Nam, trong hơn 80 năm với địa vị là một vương triều tự chủ (1802-1884), các vị hoàng đế từ Gia Long đến Tự Đức đều rất quan tâm đến xây dựng nhà nước nói chung và giữ yên biên giới nói riêng, rất quan tâm đến việc bảo vệ cương vực lãnh thổ quốc gia, mở mang phát triển kinh tế tại vùng biên giới.

Các nguồn sử liệu đều cho thấy triều Nguyễn ngay sau khi thành lập đã mở mang, hợp nhất địa giới hành chính trong toàn lãnh thổ. Đồng thời có những quy định về việc bảo vệ chủ quyền, tránh các thế lực bên ngoài dòm ngó, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền đường biên giới đất liền và đường biển. Triều Nguyễn đã xây dựng một mạng lưới quân sự bao trùm cả nước, từ trung tâm hành chính các cấp đến các vị trí xung yếu. Những nơi xung yếu ở biên giới trên đất liền cũng như ở cửa biển, cửa sông, hải đảo… đều được triều Nguyễn cho xây những pháo đài, tấn, đồn, bảo, điếm … để coi giữ và phòng thủ.

Số lượng binh sĩ ở các địa phương vùng biên (đất liền, hải đảo) được triều Nguyễn quy định rất cụ thể: tại các vịnh (thường từ 2 – 8 người trấn giữ), thủ (thường từ 3 - 10 người), nguồn, cửa quan, tấn (từ 15 - 30 người), bảo (từ 30 - 80 người, các bảo ở Bắc Kỳ số người có ít hơn), đồn (từ 50 - 150 người) …

Các vua triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đến Tự Đức tiếp tục kinh nghiệm quản lý truyền thống ki mi “ràng buộc lỏng lẻo” đối với vùng dân tộc, có nghĩa là vừa phủ dụ, vừa khống chế, từng bước tăng cường sự kiểm soát của triều đình trung ương. Từ Gia Long đến trước cải cách Minh Mạng (1831), đăt Thổ tri châu và Thổ tri huyện, đều cha truyền con nối, thường là người bản địa, hãn hữu mới có người nơi khác đảm nhiệm. Họ là phiên thần của triều đình chịu sự thần phục và hàng năm triều cống. Họ thay mặt triều đình coi sóc, đảm bảo an ninh, giữ vững đất đai biên giới. Nếu chống không nổi các thế lực cướp bóc, xâm lấn thì tâu báo cấp trên phủ, huyện, tỉnh phối hợp ứng cứu.

Một điểm đặc biệt nữa là các vua nhà Nguyễn đã ban hành rất nhiều chỉ dụ cho các địa phương nhằm giải quyết những vấn đề xảy ra trong quá trình giao lưu, buôn bán hoặc quan hệ với những người nước ngoài, đặc biệt là các địa phương có đường biên giới giáp với nước khác. Việc lựa chọn quan lại để bổ nhiệm vào các vị trí quản lý ở các địa phương này cũng cân nhắc trên cơ sở những hiểu biết về tình hình.

Cùng với đó, để bảo vệ lãnh thổ, triều Nguyễn đã cho xây dựng một hệ thống các đồn bảo ở các vùng biên giới nhằm kiểm tra tình hình người nước ngoài xâm nhập vào nước ta. Việc tuyển mộ binh lính canh giữ tại các đồn bảo cũng lấy người địa phương hoặc người nước khác sinh sống tại Việt Nam, cho họ mang tên người Việt Nam để sung vào.

Việc cấp phép cho nhân dân và quan lại ở vùng biên giới được sang nước khác để buôn bán hoặc làm việc đều phải có giấy thông hành của quan tổng trấn. Nếu giấy hết hạn thì phải về nước ngay, ai trái lệnh thì quan phủ sở tại bắt nộp cho viên quan bảo hộ chuyển về thành để trị tội.

Việc tuần tra vùng biên giới đã được chính quyền trung ương triển khai đến các địa phương, trong đó quy định chặt chẽ từ việc nắm số lượng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cho đến việc báo cáo số lượng quân dịch.

Bên cạnh việc tăng cường quân sự, việc phát triển kinh tế cũng được chú trọng, kèm theo đó, việc giáo hóa phong tục của người Việt đối với người dân ở các địa phương này cũng được đề cao.

Thực thi chính sách mềm mỏng thu phục, khống chế Tù trưởng, thổ hào các dân tộc thiểu số để họ trực tiếp bảo vệ an ninh vùng biên.

Tranh thủ mâu thuẫn giữa các thế lực mạnh để lợi dụng tiêu diệt các thế lực tàn quân khác của bọn phỉ triều Thanh kéo sang nước ta.

Có thể nói, hệ thống các chính sách tương đối toàn diện của triều Nguyễn trong bối cảnh xã hội phức tạp, rối ren giữa thế kỷ XIX đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ toàn vẹn, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trong thời kỳ đầu của triều Nguyễn.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: