Dân gian ta xưa có câu: “Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay”. Vì thế, trong mỗi gia đình có nền nếp gia giáo xưa đều có hòm sách, được coi như của quý trong nhà. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin phát triển, giá sách, tủ sách dần vắng bóng so với ti vi và các thiết bị hiện đại khác trong các gia đình.

Liệu tủ sách và thói quen đọc sách có thực sự đang bị mai một trong các gia đình người Việt hay không? Câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ. Nhưng, một điều đáng mừng là vẫn còn nhiều gia đình nhận thức rõ về vai trò của sách trong cuộc sống và dành sự đầu tư xứng đáng để xây dựng tủ sách gia đình bởi với họ, "hành động hôm nay – ý nghĩa dài lâu”.

Được tác động từ tấm gương của bố nên ngay từ nhỏ chị Trương Thị Vân Hà đã có ý thức về việc đọc sách. Công tác ở Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công việc không liên quan nhiều đến việc đọc và sáng tác và cũng khá bận rộn vì công việc và con thơ nhưng chị Vân Hà vẫn dành quỹ thời gian mỗi ngày 30 phút đến 1 tiếng cho việc đọc sách. Sau khi lập gia đình và sinh con chị Hà đã có ý định lập tủ sách gia đình để nhen lên tình yêu sách cho con trẻ. Đến nay tủ sách gia đình của chị đã có hàng nghìn cuốn và vẫn tiếp tục được bồi đắp thêm mỗi ngày.

Cũng giống như chị Vân Hà, vợ chồng anh Trần Văn Dũng, chị Nguyễn Thị Liên ở khu đô thị Times City cũng sẵn mang trong mình niềm yêu với sách. Dù phải chuyển nơi ở từ trong Vũng Tàu ra Hà Nội nhưng hành trang mang theo ưu tiên hàng đầu là những cuốn sách. Chị Liên quan niệm rằng, trước những xu thế mới của thời đại thì mỗi gia đình muốn xây dựng hạnh phúc phải có những nền tảng mới. Sự hiện diện của tủ sách trong gia đình sẽ đem lại nhiều lợi ích và tạo ra nền tảng để tìm kiếm, trải nghiệm hạnh phúc. Với anh chị, tài sản lớn nhất của gia đình hiện tại chính là tủ sách với hơn 1000 cuốn sách. Và niềm vui của anh chị là tối tối gia đình quây quần bên nhau đọc và chia sẻ cùng nhau những cuốn sách hay. Và chị thu nhận được những kết quả thú vị từ việc bền bỉ chăm chút cho tủ sách gia đình: “Tác động lớn nhất đối với các con của tôi là khi đọc sách các con nhận thức tốt hơn, sáng tạo và sâu sắc hơn, biết sống có trách nhiệm, trưởng thành hơn qua từng trang sách” – chị Liên chia sẻ.

Không chỉ bồi bổ thêm kiến thức, tủ sách gia đình còn là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình. Bởi, khi có chung mối quan tâm hay sở thích, môi trường giao tiếp sẽ được cải thiện và chất lượng giao tiếp, sự tương tác trong gia đình sẽ tăng lên đáng kể. Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL, một người dành nhiều tâm huyết cho phát triển văn hóa đọc, thì một trong những yếu tố then chốt để góp phần phát triển văn hóa đọc chính là hình thành và xây dựng tủ sách trong gia đình. Bởi gia đình là cái nôi, là ngôi trường đầu tiên và dài lâu hình thành và giáo dưỡng, bồi đắp nhân cách của mỗi con người.

Cũng chính bởi niềm đau đáu ấy nên ngay cả sau khi đã nghỉ hưu TS Vũ Dương Thúy Ngà vẫn miệt mài với công việc phát triển văn hóa đọc, sáng lập kênh “Cùng bạn đọc sách” và gây dựng nhiều tủ sách, đặc biệt là dành cho trẻ em khuyết tật. Bà Thúy Ngà cho rằng, để xây dựng và duy trì tủ sách gia đình là việc không đơn giản nhưng không phải là quá khó: “Nếu người lớn nhận thức đúng thì tôi tin rằng tủ sách sẽ hiện diện nhiều hơn tủ rượu trong mỗi gia đình” – Bà Thúy Ngà nhấn mạnh.

Làm gì để xây dựng và duy trì tủ sách gia đình?

Chi phí cho việc xây dựng một tủ sách gia đình thông thường từ vài triệu đến vài chục triệu hoặc thậm chí hơn nữa tùy theo số lượng sách. Đó có thể cũng là bài toán đối với nhiều gia đình, nhưng thực ra có thể giải quyết nếu có kế hoạch. Điều quan trọng là nhận định đúng về vai trò của nó để có sự đầu tư.

Theo kinh nghiệm của gia đình chị Nguyễn Thị Liên anh Trần Văn Dũng, việc duy trì một tủ sách, giá sách trong gia đình không phải là việc quá khó bởi anh chị đã xây dựng kế hoạch rõ ràng, dành 10% thu nhập cho việc mua sách, hướng dẫn các con dành tiền thưởng và tiền tiết kiệm để mua sách. Thêm nữa, tủ sách gia đình chị không để tập trung 1 chỗ cố định mà sách được chị bày ở phòng khách, ở gần bàn ăn, ở cạnh kệ để tivi hoặc các góc thuận tiện để bất cứ khi nào cũng có thể tranh thủ đọc được.

Bổ sung nguồn sách thường xuyên là một trong những việc cần thiết để duy trì tủ sách. TS Vũ Dương Thúy Ngà gợi ý: “Trong mọi hoàn cảnh kể cả ở nông thôn hay miền núi thì chúng ta vẫn có những cơ hội nhất định để tiếp cận với sách. Không nhất thiết là phải đi mua mà có thể mượn sách từ thư viện, tủ sách cộng đồng. Thậm chí có thể đi xin. Quan trọng nhất là có ý thức thì chúng ta sẽ có cách để làm. Và quan trọng hơn nữa là hướng dẫn cho con cách đọc sách, vận dụng những điều đọc được vào cuộc sống”.

Lựa chọn sách phù hợp, bố trí không gian đọc hợp lý và đặc biệt là đọc sách cùng con, tạo cho con cơ hội chia sẻ về những điều đã đọc trong sách là những “bí quyết” sống còn để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách.

Kết luận sau khi thực hiện công trình nghiên cứu, một nhóm các nhà khoa học của trường đại học Nevada, Mỹ nhận định rằng: “Sách là nguồn đầu tư vào tương lai rẻ và có hiệu quả”. Và thực tế ở nhiều gia đình Việt cho thấy môi trường văn hóa gia đình với hàng triệu triệu yếu tố, phong phú hàng phút hàng giây tác động lên đứa trẻ trong suốt một thời gian dài sẽ góp phần định hình nên tâm hồn, thói quen và trí tuệ của trẻ.

Một đứa trẻ được tắm trong bầu không khí yêu thương, trong không gian văn hóa với văn chương, nghệ thuật, với thế giới sách sẽ có cơ hội trưởng thành lành mạnh hơn rất nhiều. Xây dựng và duy trì tủ sách gia đình chính là xây đắp những viên gạch vững chắc cho tương lai của con.

Mời nghe âm thanh tại đây: