Với lịch sử hàng trăm năm, nghề đóng tàu truyền thống mang trong mình một kho tàng tri thức về vật liệu, thiết kế và kỹ thuật. Các nghệ nhân đóng tàu không chỉ dựa vào các công cụ và phương pháp thủ công, mà còn sử dụng hiểu biết sâu sắc về đặc tính của gỗ, khí hậu và dòng chảy để tạo ra những con tàu bền bỉ và thích nghi tốt với môi trường biển. Sự khéo léo và tinh tế trong từng công đoạn, từ chọn gỗ đến lắp ráp, là minh chứng cho sự am hiểu và tôn trọng của con người đối với biển cả.

Ngày nay, dù công nghệ đóng tàu hiện đại đã thay thế nhiều phương pháp truyền thống, nhưng di sản văn hóa từ nghề đóng tàu vẫn được gìn giữ và phát huy. Đây vừa là nghề truyền thống, vừa là cầu nối giữa các thế hệ, giúp thế hệ trẻ nhận thức và trân trọng giá trị di sản văn hóa biển.

Việt Nam có 3000 km đường biển và nghề đóng tàu của Việt Nam có tuổi đời hàng trăm năm. Rất nhiều địa phương vùng biển có nghề đóng tàu truyền thống, Hải Phòng cũng là một trong số đó.

Những xưởng sản xuất tàu biển ngày nay có quy mô đồ sộ hơn đang tiếp tục kế thừa những giá trị truyền thống, kết hợp công nghệ hiện đại để đưa nghề đóng tàu Việt Nam “ra khơi”. Tháng 5 vừa qua, tại nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Hải Phòng, tàu hàng rời có tải trọng 65.000 tấn, là con tàu lớn nhất từ trước đến nay do doanh nghiệp Việt Nam đóng mới đã được hạ thuỷ, bàn giao cho khách hàng. Đây là con tàu lớn do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã được đưa ra biển.

Cũng mới đây, trang Insider Monkey (Mỹ) đã đưa ra danh sách Top 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, trong đó đáng chú ý, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 7. Việt Nam đang phát huy truyền thống phát triển kinh tế dựa vào biển, mà ngành đóng tàu là một minh chứng cho lịch sử, hiện tại và tương lai!