Bắt đầu từ ngày 15/8, chính sách thị thực mới cho phép khách một số nước được miễn thị thực từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Đây là tin vui của ngành du lịch nước nhà khi có chính sách thị thực thông thoáng và dài hạn hơn để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.

Theo ông Đinh Ngọc Đức, Trưởng phòng, phòng Hợp tác quốc tế, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đây là "cú hích" tích cực tới thị trường khách quốc tế của Việt Nam sau bối cảnh dịch Covid-19 chúng ta mở cửa nhưng lượng khách quốc tế vẫn chưa đạt kỳ vọng. "Chính sách này tác động từ vĩ mô, đấy là thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc quan tâm và có những chính sách rất kịp thời cho du lịch nước nhà. Thứ 2, đây là điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tôi khẳng định là trong báo cáo tới đây của Diễn đàn kinh tế thế giới nói về năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ thăng hạng với chính sách này".

Cũng theo ông Đinh Ngọc Đức, chính sách thị thực là một yếu tố quan trọng và là tiền đề để tạo sức hút điểm đến. Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu, quan trọng nhất vẫn là bài toán giữ chân du khách. "Chính sách thị thực mới sẽ giúp doanh nghiệp nói riêng cũng như toàn ngành du lịch nói chung có thể xây dựng, điều chỉnh sản phẩm phù hợp hơn để tăng trải nghiệm cho du khách. Đây là một mục tiêu trong Chiến lược Marketing du lịch đến năm 2030 đã xác định "coi trải nghiệm của du khách là trung tâm". Vì thế, phải tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm, dịch vụ, nâng cao trải nghiệm cho du khách thì đó mới là thành công", ông Đức phân tích.

Bên cạnh đó, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cũng cần dựa trên nhiều yếu tố cộng hưởng khác như: công tác xúc tiến, quảng bá... vì chính sách thị thực mới là động thái tốt nhưng lại không phải “cây đũa thần" để thu hút khách. Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển các tour du lịch dài ngày, nhưng vẫn nên tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của mình: nếu như trước đây là du lịch biển thì bây giờ là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa, du lịch di sản, và du lịch ẩm thực. Tất cả phải được khai thác, kết hợp với nhau để đa dạng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, để bước đi vững vàng thì cần đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, trong xây dựng sản phẩm mới vì sau dịch Covid-19, nhu cầu thị trường cũng có nhiều thay đổi.

"Chúng tôi muốn đưa ra một thông điệp mà điều này được Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch đã khẳng định và cũng đã đưa vào Nghị quyết số 82/NQ-CP trong phương châm phát triển du lịch thời gian tới: sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh thân thiện. Đấy là tất cả những điều chúng ta cần làm, và nếu làm được thì chắc chắn thành công, mang tính bền vững", ông Đinh Ngọc Đức khẳng định.

Chính sách thị thực mới sẽ góp phần nâng cao cạnh tranh điểm đến quốc gia, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp trong khai thác khách cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là bước tiến rất lớn, phù hợp với xu thế thay đổi cấu trúc khách hiện nay đó là khách đi lẻ đang ngày một gia tăng.

Việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày sẽ giúp thu hút đa dạng thị trường khách các quốc tịch vào Việt Nam, đồng thời, giúp cho du khách quốc tế có thêm thời gian, cơ hội để tham quan, trải nghiệm nhiều dịch vụ hơn tại Việt Nam.

Mời nghe âm thanh chi tiết tại đây: