Thăng Long - Hà Nội là vùng văn hóa riêng nhưng đồng thời cũng là một trung tâm văn hóa của cả nước. Môi trường văn hóa đất Kinh kỳ do vậy chẳng những là nơi hội tụ mà còn là chốn đào luyện nhân tài lớn nhất cả nước với những danh nhân văn hoá, lịch sử lỗi lạc. Tiến sĩ Vũ Tông Phan là một trong số đó.

Thuở nhỏ, Vũ Tông Phan theo cha dạy học ở các làng ven Thăng Long và xứ Đoài, cho đến khi đỗ Tú Tài mới theo học cậu ruột là Tiến sĩ Phạm Quý Thích ở Thăng Long. Với học vấn uyên thâm, năm 1825, Vũ Tông Phan đỗ Tiến sĩ. Tương truyền, đám rước vinh quy bái tổ của quan nghè Phan có đến 7 cờ biển vua ban. Cùng với Thần Siêu, Thánh Quát, Vũ Tông Phan là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thi đàn Thăng Long cuối thế kỷ 19.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, Tiến sĩ Vũ Tông Phan là một nhân vật điển hình cho người Hà Nội ở thế kỉ XIX bởi sự nghiệp sáng tạo thi ca, hoạt động văn hoá, nhất là làm giáo dục, tất cả đều vì Hà Nội, cho Hà Nội.

Ngược dòng thời gian vào thế kỉ 19, năm 1831 khi Vũ Tông Phan từ Huế ra nhận chức Giáo thụ phủ Thuận An, lúc bấy giờ thuộc về Bắc Ninh, khi ra đến Hà Nội, cụ thấy quang cảnh Hà Nội như thế này: “Nay đương phát sinh nơi đô thành, nhiều hạng dân du thực du thủ đi học thì cốt giật tiếng nho, đi buôn chửa giàu đã khoe của, cư dân thường túm tụm ba hoa, bộ hành áo quần cực diêm dúa, sòng bạc tràn lan khắp gần xa…”.

Trước tình cảnh này, Vũ Tông Phan có bàn bạc với những người bạn thân thiết là: Ngô Thế Vinh, Tiến sĩ Lê Duy Trung, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu… tập hợp được 1 nhóm sĩ phu và đề xuất phải chấn hưng văn hóa, giáo dục Thăng Long-Hà Nội. Họ đã đưa văn hóa, giáo dục Thăng Long từ chỗ hoang tàn ở buổi đầu năm 1831 (như cụ Phan đã miêu tả) mà chỉ 30 năm sau thôi một ký giả nước ngoài khi đến đây đã phải viết lên tờ Thông tin Bắc Kỳ: Thành phố này không còn là kinh đô nữa nhưng vẫn đứng đầu cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục và phồn vinh đông đúc.

Quan điểm dạy học của Tiến sĩ Vũ Tông Phan là đào tạo ra những kẻ sĩ giúp đời chứ không phải làm quan để vinh thân. Điều đó thể hiện trong tư tưởng “hành – tàng” của nhóm kẻ sĩ Bắc Hà. Phát huy được thì “hành” còn ngược lại thì “tàng”, lui về dạy học, đào tạo ra kẻ sĩ nối chí.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Tông Phan cũng hiểu rằng, trong tình trạng văn hóa, giáo dục bị xuống cấp, một ngôi trường tư thục là chưa đủ, vì vậy ông đã kêu gọi và tập hợp được nhiều học sĩ có cùng chí hướng. Và từ đó, các ngôi trường khác lần lượt tập trung ở vùng ven phía Tây, phía Bắc, phía Nam hồ Hoàn Kiếm (theo địa danh ngày nay là các phố Nguyễn Văn Siêu, Hàng Đào, Hàng Gai, Tô Tịch, Lê Thái Tổ, Hàng trống, Tràng Thi…) biến khu vực Hồ Gươm thành trung tâm văn hóa mới của Thăng Long-Hà Nội đầu thế kỉ 19. Đặc biệt, Vũ Tông Phan và hội Hướng Thiện đã cải tạo chùa Ngọc Sơn thành đền Văn Xương trở thành trung tâm hoạt động phục hưng văn hóa dân tộc của các sĩ phu yêu nước thời đó.

Không chỉ vậy, Tiến sĩ Vũ Tông Phan còn dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất kinh kỳ khi ông viết hàng trăm bài thơ, văn về cảnh và người Thăng Long… Đó là kho tàng thi ca cực kỳ đồ sộ, trong đó nổi lên mấy bộ thơ về Thăng Long-Hà Nội: Thăng Long hoài cổ Thập tứ thủ - bộ gồm 14 bài thơ về Thăng Long; Kiếm hồ thập vịnh - 10 bài thơ riêng chỉ vịnh về hồ Hoàn Kiếm…

Tiến sĩ Vũ Tông Phan đã từng kinh qua các chức vụ: Tri phủ Bình Hòa (Khánh Hòa), Lang trung Bộ Binh (chức quan Tứ phẩm), Tham hiệp Tuyên Quang, Tham hiệp Thái Nguyên, Giáo thụ phủ Thuận An (Bắc Ninh)… Tuy nhiên, sau 7 năm làm quan và cảm thấy không hợp với quan trường, Vũ Tông Phan cáo quan về nhà ở thôn Tự Tháp, ven phía Tây Hồ Gươm, dựng nên ngôi nhà 5 gian trên mảnh đất vua ban mở trường dạy học lấy tên là Hồ Đình. Và chỉ sau 2 năm, ngôi trường Hồ Đình của ông đã có 2 môn sinh đỗ Cử nhân.

Sau hơn 10 dạy học, năm 1849 ông giao trường Hồ Đình cho con trai cả, lui về sống ở Giang Đình thục, thôn Kim Giang, tổng Đông Lỗ, huyện Sơn Minh, nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Tại đây ông có thời gian biên tập và sáng tác thơ văn. Có thể kể đến “Tô Khê tùy bút tập” bao gồm những bài thơ đầu tay ông sáng tác trước khi đỗ Cử nhân năm 1825. Ngoài ra, ông cũng tập hợp những bài thơ ông viết sau thời gian này nhưng chưa kịp xuất bản thì đột ngột qua đời năm 1851.

Sau khi Tiến sĩ Vũ Tông Phan mất, đền Ngọc Sơn được bè bạn xây dựng thêm một số công trình: tháp Bút, đài Nghiên, tạo nên quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị giữa trung tâm Thăng Long-Hà Nội và trở thành danh thắng - niềm tự hào của người dân Thủ đô.

Mời nghe âm thanh tại đây: