Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Vườn quốc gia Cúc Phương vượt qua các qua đại diện cùng tranh cử khác là: vườn quốc gia Chitwan (Nepal), Fuji-Hakone-Izu (Nhật Bản), Kinabalu (Malaysia), Komodo (Indonesia), Minneriya (Sri-Lanka) và Taman Negara (Malaysia) để giành vị trí đầu tiên của hạng mục "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á 2023" do World Travel Awards bình chọn.

Được thành lập ngày 7/7/1962 theo Quyết định số 72-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận 3 tỉnh: Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá với tổng diện tích là 22.408 héc-ta. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.

Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Theo số liệu điều tra gần đây, Cúc Phương có 2234 loài thực vật bậc cao và Rêu (trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách Đỏ của Việt Nam). Về động vật, Cúc Phương có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú (trong đó có loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của Vườn quốc gia Cúc Phương). Với 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương. Vì vậy, từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm lý tưởng đối với các nhà xem chim.

Thông tin từ World Travel Awards, Cúc Phương tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của du lịch sinh thái - một trong những loại hình du lịch trọng điểm của ngành du lịch Việt Nam. Thuộc địa hình Caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp, đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cách ngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm, đó là hang Đắng (động Người Xưa), hang con Moong. Năm 2000, Cúc Phương đã phát hiện một hoá thạch của loài động vật có xương sống. Theo kết luận ban đầu của Viện cổ sinh học Việt Nam, đây là hoá thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm.

Dự kiến, Lễ trao giải Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading National Park 2023) diễn ra vào ngày 6/9 tại thành phố Hồ Chí Minh.