Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 tập trung nhiều nội dung cụ thể, hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là: Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển, Chiến lược đưa ra 10 chỉ tiêu phát triển văn hóa, một trong số đó là: “100% bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành”.

Như chúng ta đã biết, văn hóa ứng xử là những biểu hiện hoạt động bên ngoài của con người, được thể hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với bản thân, với những người xung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hàng ngày. Chính vì vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 15, việc xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa ở bất cứ đâu, bất cứ ngành nghề nào cũng là điều cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều những lệch lạc trong văn hóa ứng xử.

"Thực tế là chúng ta đã có Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng của Bộ Thông tin Truyền thông, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ, Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay quy tắc ứng xử nơi công cộng… nhưng cách ứng xử ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn thiếu văn minh, văn hóa. Đó một phần là do nhận thức của người dân, phần nữa là do cách thức triển khai thực hiện của chúng ta chưa thực sự hiệu quả". PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Nếu như tất cả các cơ quan, tổ chức, gia đình đều có một quy tắc, quy chế về văn hóa thì rất là tốt, nó như một cái hành lang, một chuẩn mực để người ta soi chiếu và làm theo. Tuy nhiên, làm không phải theo phong trào mà làm theo thực chất yêu cầu cuộc sống”.

Đối với mỗi bộ, ngành, địa phương, quy tắc ứng xử được coi là một công cụ quản lý, một bộ tiêu chí, chuẩn mực về hành vi và cách ứng xử của các thành viên mà nơi đó mong muốn.

Do vậy có thể nói, việc Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đưa ra mục tiêu này và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết... là điều cần thiết - đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Nếu thực hiện đồng bộ và có hiệu quả, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao văn hóa ứng xử, giúp xây dựng được môi trường văn hóa, lối sống văn minh.

Cùng nghe những chia sẻ của vị khách mời tại đây: