Triển lãm "Xuôi ngược Hà Nội" do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Mạng lưới Tiên phong và Xưởng nhuộm Đu Đủ (Hà Nội) phối hợp tổ chức.
Tên gọi “Xuôi ngược Hà Nội” được gợi cảm hứng từ sự đa dạng và phong phú của văn hóa Hà Nội, được tích hợp từ văn hóa miền xuôi của đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền ngược từ các tỉnh miền núi.
Cụ thể, có nhiều chất liệu, thành phần đến từ các cộng đồng dân tộc thiểu số đang góp phần tạo nên văn hoá tiêu biểu của thủ đô như thảo quả và hồi trong phở; thổ cẩm trong thời trang; vải nhuộm chàm trong không gian thương mại.
“Xuôi ngược Hà Nội” gợi nên quá trình dung hợp và tiếp biến văn hóa qua hàng ngàn năm của thủ đô, đưa Hà Nội trở thành một trong những điểm giao thoa văn hoá đặc trưng nhất của Việt Nam, nơi mà truyền thống và hiện đại cùng tồn tại, tạo nên một bản sắc đa dạng và phong phú.
Chia sẻ tại triển lãm, ông Lê Quang Bình - đại diện Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết, văn hóa Hà Nội rất giàu có vì Hà Nội nằm trong Đồng bằng sông Hồng nên thừa hưởng văn hóa nơi này. Ngoài ra, hàng năm Thủ đô Hà Nội đón nhận nhiều dòng người khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược tới sinh sống và làm việc, để từ đó làm cho văn hóa Hà Nội giàu có, đa dạng hơn. "Qua triển lãm này, chúng tôi chia sẻ rằng văn hóa Việt Nam rất đa dạng và phong phú, là một nền tảng giàu có cho sáng tạo. Điều quan trọng là chúng ta cần xây dựng một đội ngũ những người làm sáng tạo, yêu văn hóa, hiểu bản sắc và có thể cùng sáng tạo ra các sản phẩm mới, từ đó góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa ở Hà Nội đồng thời mang lại sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền".
Tại triển lãm đã diễn ra toạ đàm cùng tên. Các diễn giả tập trung chia sẻ về giá trị văn hoá của các hoa văn thổ cẩm và tri thức bản địa liên quan đến nhuộm vải; về sự kết nối, dung hợp giữa văn hoá bản địa và đời sống đô thị hiện đại; về những thực hành sáng tạo hướng đến sự đa dạng, hoà nhập trong không gian đô thị.
Vượt hàng trăm cây số, chị Tải Thị Mai và bạn Vàng Thị Dế mang theo nhiều câu chuyện vừa thực tế vừa thú vị về quá trình lưu giữ và sáng tạo chất liệu tri thức bản địa. Chị Mai rất vui khi được mời tham dự tọa đàm và chia sẻ đầy tâm huyết về kỹ thuật làm vải bông truyền thống. “Người Pà Thẻn dùng giống bông bản địa (giống bông thấp, cho sợi mịn hơn bông thông thường) để dệt vải. Quá trình trồng hết sức vất vả và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, ngoài ra, quy trình nhuộm màu cũng phức tạp. Bởi vậy nên song song với việc lưu giữ cách làm truyền thống, chúng tôi ứng dụng cả một số cách nhuộm vải công nghiệp. Sản phẩm thuần thủ công thì có giá thành cao và được khách hàng quốc tế ưa chuộng”.
Vàng Thị Dế là cô gái trẻ người Hmong vừa tốt nghiệp Đại học Văn hoá Hà Nội, hiện đã tham gia vận hành xưởng sản xuất vải gai dầu Hemp Hmong Việt Nam. Dế tự hào vì xưởng của mình đem lại thêm thu nhập cho người thân và bà con tại địa phương. "Mẹ và chị dâu em ban đầu đều nói không thể dệt khổ vải 60cm, vì từ trước tới nay người Hmong quê em chỉ dệt khổ 30cm. Em đã thuyết phục để mọi người cùng thử sáng tạo khổ vải mới. Dần dần bà con xung quanh thấy có khả năng thực hiện rồi mới làm theo. Khổ vải 60cm có thể trở thành sản phẩm ứng dụng tốt hơn cho các thiết kế thời trang, kiến trúc, trang trí đương đại do tiết kiệm công may vá của người thực hiện. Từ đó tăng cơ hội để sản phẩm quê em tiếp cận đa dạng thị trường hơn”.
Cũng tại buổi lễ khai mạc “Xuôi ngược Hà Nội”, ekip thực hiện triển lãm có cơ hội giao lưu cùng khán giả tham quan và chia sẻ về ý niệm trong tác phẩm của mình. Tận dụng không gian vườn hoa Lý Thái Tổ cùng những câu chuyện lịch sử của khu vực này, ekip đã kết hợp kỹ thuật nhuộm chàm và hoa văn thổ cẩm truyền thống để tạo nên tác phẩm sắp đặt hiện đại, góp phần tạo nên màu sắc rực rỡ vô cùng mới mẻ cho không gian vườn hoa Lý Thái Tổ.
Theo anh Inra Jaka, đồng giám tuyển triển lãm, hoa văn thổ cẩm trở thành một biểu tượng cho sự nhận diện lớn hơn sự đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của các tộc người, từ ngôn ngữ, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, tín ngưỡng… để các thế hệ thừa hưởng và phát triển trong tương lai. "Tác phẩm thổ cẩm hôm nay được tạo nên bởi vải của 8 tộc người, đồng điệu với nhà bát mái, đồng thời cũng là một con số biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở. Các tấm thổ cẩm này được đóng góp bởi bà con đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, tụ lại đây để đưa ta vào hành trình nhìn ngắm, ngửi, chạm, lắng nghe những câu chuyện của các tộc người và cho phép trí tưởng tượng của mỗi chúng ta được chìm đắm trong sắc màu và thanh âm của thổ cẩm trong nắng và gió của Hà Nội”.
Thông điệp mà Ban tổ chức triển lãm “Xuôi ngược Hà Nội” đưa ra không chỉ là một sự nhắc nhớ tới tinh thần mạnh mẽ, độc lập của người đi trước, mà còn là bước đệm đi tới sự đa dạng của văn hóa rất nhiều nhóm người đang cùng bước đi ngay giữa thủ đô. Bởi “khi Hà Nội bao chứa được tất cả mọi người và mọi người đều thấy Hà Nội đón nhận mình đó là khi Hà Nội thực sự là một thành phố đáng sống”.