Những vụ bạo hành liên tiếp xảy ra, những lo lắng, bàng hoàng cũng theo đó mà tăng dần theo cấp số nhân. Từ chuyện bé gái 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị mẹ kế hành hạ đến chết, đến bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị cha dượng ngược đãi, đánh đập không qua khỏi… rồi còn vô số những câu chuyện đau lòng như thế. Nỗi đau kéo dài, nhưng chỉ đến khi tổn hại đến tính mạng người trong cuộc thì hàng xóm, láng giềng mới biết.
Nhà là nơi để về, gia đình là tổ ấm để yêu thương, nhưng với không ít người - buồn thay - đó không khác gì địa ngục, khi mà ngày ngày họ bị đối xử bằng bạo lực và phải chịu những dày vò đau đớn dai dẳng cả về thể xác lẫn tinh thần. Chẳng phải cứ “thượng cẳng chân, hạ chẳng tay” mới là bạo lực. Có không ít hành vi bạo lực là những lời nói, sự nhiếc móc, sỉ vả, hoặc là sự im lặng tuyệt đối ngày này qua ngày khác cũng khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí là khủng hoảng.
Đáng nói, những kiểu bạo lực như thế này đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, ở cả những người có địa vị học vấn cao. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã từng thực hiện khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố, kết quả: cứ bốn gia đình có tình trạng bạo hành, thì có một theo kiểu bạo hành tinh thần “hộp đen” - tức là bạo hành không nhìn thấy được, không ầm ĩ, không gây sự chú ý khiến cho người ngoài nhìn vào tưởng rằng gia đình ấy vẫn cơm lành, canh ngọt.
Có câu “lời nói đọi máu”, đôi khi bạo lực ngôn từ còn khủng khiếp hơn nhiều lần sự đánh đập, nó gây nên những ức chế tâm lý, làm tổn thương về tinh thần ở mức nghiêm trọng, thậm chí đến mức, trong nhiều trường hợp, nạn nhân có thể tìm đến những hành vi nguy hiểm như hủy hoại bản thân, tự sát... Theo các chuyên gia, hiện ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực tinh thần chiếm tới hơn 50%, một con số khiến không ít người phải giật mình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi bạo lực tinh thần bao gồm: lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em. Tuy nhiên rất nhiều hành vi bạo lực tinh thần khó nhận biết và khó xử lý vì không để lại thương tích trên thân thể. Thêm vào đó, quy định về bảo vệ nạn nhân bị bạo lực về tinh thần chưa rõ, trong khi sự giày vò về tinh thần nhiều khi còn nặng nề hơn thể chất.
Có thể nói, dù đã có những quy định về xử phạt hành chính, thậm chí có là cả hình sự với các hành vi bạo lực tinh thần nhưng thực tế vẫn theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Thêm nữa, đây lại là vấn đề liên quan chặt chẽ đến cá nhân và mối quan hệ gia đình riêng tư, nên việc phạt tiền hay xin lỗi nạn nhân, thậm chí cả xử lý hình sự cũng không hẳn đã là phương thức hữu hiệu.
Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân có nhiều điểm mới, giải quyết phần nào những bất cập của Luật hiện hành, trong đó có cả những quy định xử phạt hành chính đối với bạo lực tinh thần. Điều quan trọng nhất là cần có thêm những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để nhận diện các hành vi bạo lực tinh thần. Cũng cần cân nhắc hình thức xử phạt tiền đối với người gây ra bạo lực, bởi vì đối với vợ chồng thì đây là tài sản chung nên nếu phạt tiền thì vô hình chung, cả người gây ra bạo lực và người bị bạo lực đều bị xử phạt. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức, để bất cứ ai - dù là nạn nhân hay thủ phạm - cũng đều phải hiểu rằng: phụ nữ là để yêu thương, không phải để bạo lực. Và không bao giờ là quá muộn để phụ nữ có thể đứng lên bảo vệ chính mình khỏi những nỗi đau “vô hình” này.