Những ngày qua, câu chuyện đau lòng tại Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) lại tiếp tục “nóng lên” sau phát biểu đẫm nước mắt của NSND Trà Giang tại lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Rồi một loạt bài báo về tâm tư, nguyện vọng của các nghệ sỹ từng gắn bó với hãng phim được đăng tải… Đến lúc này, người ta mới giật mình vỡ lẽ, Hãng phim truyện Việt Nam - một trong những biểu tượng văn hóa, cái nôi của điện ảnh Cách mạng nước nhà đã và đang bị bỏ rơi trong tình trạng hoang tàn, đổ nát đến đau lòng.

Đã 7 năm (kể từ khi Hãng thực hiện cổ phần hóa năm 2017), các nghệ sĩ “kêu cứu” nhiều, báo giới, thanh tra vào cuộc cũng nhiều, song “qua một vài trống canh” nó lại lặng lẽ chìm xuống trong dòng chảy ngồn ngộn thông tin. Những vướng mắc, sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, nhưng thật buồn đến giờ vẫn chưa thể giải quyết, dẫn đến kết cục bi thảm cho một hãng phim có quá khứ vàng son, và cho cả không ít những số phận nghệ sỹ, nhân viên…

Cuối năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là 1 trong 5 hãng phim nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ. Cán bộ VFS khi đó hy vọng, cổ phần hóa sẽ mở ra một tương lai mới cho hãng. Nhưng những người chủ mới (Tổng công ty vận tải thuỷ Vivaso) lại không có chủ trương làm phim, đề ra một loạt quy định khiến mâu thuẫn giữa các nghệ sỹ hãng phim với những người chủ mới tăng dần. Đỉnh điểm là hàng loạt nghệ sỹ (dù vẫn còn biên chế hãng phim) bị cắt lương, cắt bảo hiểm xã hội, cắt bảo hiểm y tế… Không việc làm, họ buộc phải tự bươn chải để lo cuộc sống gia đình. Có người chọn lập nghiệp lại từ đầu, người bán bún, bán phở... rồi đi làm giúp việc, chạy Grab để mưu sinh… Một chủ trương đúng nhưng phương án thực hiện sai lầm đã đẩy cuộc sống và số phận hàng chục lao động của Hãng phim truyện Việt Nam vào cảnh bấp bênh.

Vậy vì sao những sai phạm dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần khẳng định (đã được nêu trong nhiều biên bản của Thanh tra Chính phủ), nhưng các bên vẫn chậm trễ trong việc thực hiện kết luận thanh tra? Việc trì hoãn này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cán bộ nhân viên hãng phim như đã nêu, mà còn khiến hơn 300 bộ phim điện ảnh tư liệu lịch sử quý giá như: Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên… di sản minh chứng cho sự hình thành phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam bị hư hỏng nặng, không thể khôi phục, chỉ vì… hệ thống điều hòa không hoạt động. Đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân đã phải xót xa mà rằng: “Tôi có gửi ảnh tình trạng các cuốn phim cho một bạn chuyên viên phục chế thì bạn ấy nói rằng khả năng cứu vãn gần như bằng không”.

Vẫn biết để giải quyết những tồn tại ở Hãng phim truyện Việt Nam là điều không dễ và có thể vượt thẩm quyền của Bộ VHTT&DL, đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể. Tối 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về vụ việc này, tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3.

Dẫu muộn còn hơn không, một “cái hẹn” có thể nói cực kỳ có ý nghĩa vào lúc này. Vẫn chưa thể biết số phận Hãng phim sẽ đi đâu về đâu, liệu có còn “ba chìm bẩy nổi”? Nhưng điều này cũng đã cho thấy sự quan tâm, động thái quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ và ít nhiều cũng đã làm an lòng biết bao người.

Không thể thờ ơ - chắc chắn rồi, bởi đó là một thương hiệu, một biểu tượng văn hóa mà lịch sử, hiện tại và tương lai cần phải trân trọng!