Có 2 lựa chọn khi người bệnh đến khám tại các bệnh viện, khám theo bảo hiểm y tế và khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh nhân sẽ phải lấy số thứ tự để vào các ô cửa phù hợp.

Tuy nhiên, với số lượng trung bình hơn 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày, dễ hiểu vì sao các bệnh viện tuyến cuối hay chuyên khoa hạng 1 luôn quá tải. Và ở những nơi thường xảy ra "ùn tắc" như hệ thống y tế công lập, ngay lập tức sẽ có những lời chào mời dịch vụ nhanh gọn, “đi đường tắt” không tốn thời gian chờ đợi.

"Cò" tại các bệnh viện, cơ sở khám thường tổ chức hoạt động theo nhóm và có mặt ở mọi nơi trong bệnh viện. Từ “cò” bốc số, “cò” dắt chen ngang, “cò” xe cứu thương… Thường thì “cò” sẽ chủ động "ra giá" cho những sự ưu tiên này. Không quan trọng là người đến khám trước hay đến sau, chỉ cần có tiền thì số nào cũng có…

Tâm lý ngại lui tới, không muốn mất thời gian hoặc đi sau nhưng muốn được khám trước của không ít người vô tình tạo cơ hội cho "cò" ăn nên làm ra. Ai chịu chi thì được khám sớm và ngược lại, hàng trăm bệnh nhân phải vất vả sắp xếp công việc, tự mình đến "bốc số" thứ tự và nhẫn nại chờ được gọi đến tên thì chỉ còn biết…thở dài mệt mỏi.

Đã có nhiều vụ liên quan đến "cò mồi" dẫn khách khám bệnh được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Mới đây nhất, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cũng xác minh, làm rõ và xử phạt 3 cá nhân có hành vi "cò mồi".

Tương tự, 2 đối tượng tại Bệnh viện K thừa nhận hành vi vi phạm với phương thức xếp hàng hộ, lấy số thứ tự ưu tiên, dẫn dụ bệnh nhân khám nhanh để hưởng lợi với mức giá từ 100.000 đến 500.000 đồng.

Đó chỉ là đơn cử các trường hợp cụ thể. Còn thực tế thì sự bất bình đẳng diễn ra phổ biến bởi có cầu ắt có cung. Cứ như vậy, vấn nạn trung gian, dẫn dắt ở các bệnh viện đã kéo dài nhiều năm nay.

Mô hình khám bệnh từ xa là một cách để thay đổi phương thức quản lý và vận hành. Cách này đã được nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển nhưng chưa thực sự hiệu quả vì nhiều lý do. Một lý do chính là nhiều người vẫn quan niệm khám bệnh phải có bác sĩ nhìn, sờ, gõ, nghe; bác sĩ cũng phải trực tiếp gặp bệnh nhân, phải làm thêm một vài xét nghiệm, chụp chiếu…...

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đủ mạnh nên một số người mới chỉ tư vấn bệnh qua điện thoại, cửa sổ chat, camera. Các quy định pháp luật về khám bệnh từ xa chưa có nên chưa khuyến khích hình thức này phát triển.

Đặt lịch khám bệnh qua số hotline hoặc website của bệnh viện cũng là một hình thức đang được khuyến khích áp dụng tại một số cơ sở y tế tuyến trung ương. Tuy nhiên, có thực tế là dù đã đăng ký qua tổng đài, khi đến khám người bệnh vẫn phải xếp hàng chờ lấy số, điều đó cho thấy hình thức này vẫn còn nhiều bất cập.

Bất lực trước vấn nạn “cò” bệnh viện, nói như vậy có thể hơi quá trước những nỗ lực của các bệnh viện để giải quyết tình trạng này. Nhưng với những gì đang diễn ra, rõ ràng, vấn nạn “cò” bệnh viện đã và vẫn là một thách thức đối với ngành Y mà văn bản đề nghị chấn chỉnh của Cục Quản lý khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, có lẽ, mới chỉ là cảnh báo./.