“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là quan điểm chỉ đạo được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Ngành giáo dục với sứ mệnh kiến thiết con người có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quan điểm chỉ đạo này.
Nhưng để gieo khát vọng cho thế hệ kế tiếp, khát vọng trước tiên phải bắt đầu từ những người thầy. Khát vọng cũng là động lực giúp cho người thầy và ngành giáo dục “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” như yêu cầu được nêu trong Nghị quyết.
Hồi đầu năm 2022, trong một Hội nghị phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu: “Muốn có những con người khát vọng thì cần phải có những trường học đầy khát vọng. Phải tạo dựng một lớp nhà giáo có năng lực, phẩm chất và giàu khát vọng. Nếu không có một đội ngũ nhà giáo giàu khát vọng thì chúng ta khó có được những lớp học sinh nhiều khát vọng”.
Nhưng thực tế, giáo dục như một cỗ máy vốn lâu nay đang bị kẹt bánh răng bởi bệnh thành tích, bệnh gian dối cùng với thói háo danh chuộng bằng cấp của toàn xã hội. Khát vọng tự bao giờ trở thành thứ xa vời vợi nếu không muốn nói là xa xỉ.
Rất nhiều vấn đề, sự vụ trong lĩnh vực giáo dục xuất hiện lúc này hay lúc khác cho thấy những “căn bệnh” vẫn đang tiềm ẩn. Những cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh với những đề tài ngang tầm tiến sĩ, những tiết học thi giáo viên dạy giỏi trở thành tiết “diễn”, giáo viên ép học sinh không thi vào lớp 10 hay vấn nạn học thêm… Đó là phần nổi của tảng băng chìm cho thấy bệnh thành tích còn trầm kha. Ngành giáo dục còn mệt mỏi để đi tìm chữ “thật”.
Nhan nhản những vụ việc bạo lực học đường rồi học trò hỗn hào với thầy cô, thậm chí được quay clip đăng tải trên mạng xã hội. Cứ cho là con sâu bỏ rầu nồi canh thì nó cũng phần nào bộc lộ sự thiếu sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục.
16 nghìn giáo viên bỏ việc trong năm 2022, con số thống kê chỉ là minh chứng cho thực trạng mức lương giáo viên chưa đủ sống và môi trường dạy học quá nhiều áp lực. Giáo dục thiếu vắng niềm tin, điều đáng buồn không chỉ từ xã hội. Niềm tin còn thiếu vắng từ chính những người thầy.
Bởi vậy để khơi dậy khát vọng, trước hết, giáo dục đang gắng mình để tìm lại niềm tin với nghề, tìm lại hai chữ “nhân văn”.
Trong dịp Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT liên tục gửi những thông điệp tới các thầy cô trong đó nhấn mạnh sứ mệnh của nghề giáo, sứ mệnh của người thầy: “Sứ mệnh của nhà giáo là kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho con người. Trong bất kỳ hoàn cảnh, thách thức nào, mỗi thầy cô cố gắng vượt qua để tiếp tục theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp”. Hay “Nghề giáo là nghề cho đi mà không màng nhận lại, vì thế mà nghề nhà giáo là nghề đẹp đẽ”.
Sẽ cần rất nhiều giải pháp để lấy lại chữ “thật” và sự tôn nghiêm trong môi trường giáo dục. Dù vô vàn khó khăn nhưng đó là việc phải làm. Để khát vọng được lên tiếng, không có cách nào khác là phải đưa giáo dục về những chân giá trị, trong đó có sự nhân văn và cả niềm tin./.